Mang đến ngày hội trích đoạn“Khảm hải” (vượt biển), một trong những tiết mục diễn xướng mang đậm nét văn hóa cũng như lịch sử của người Tày, nghệ nhân Lý Văn Chiến (xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) không chỉ mong muốn góp một phần bản sắc văn hóa dân tộc mình mà còn muốn để tác phẩm kinh điển của người Tày này không bị mai một.
Nghệ nhân Lý Văn Chiến rất vinh dự được mang văn hóa dân tộc mình giới thiệu để mọi người cùng thưởng thức. Điều ông băn khoăn là vài năm qua, một số người dân còn chưa thực sự quan tâm đến văn hóa truyền thống, trong đó có cả người Tày, Nùng. Các hoạt động hưởng ứng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam khiến ông an tâm hơn, bởi qua đây người dân sẽ từng bước gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình.
Ngoài các tiết mục hát, múa, diễn xướng dân gian được chuẩn bị công phu, gần 200 nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố còn tham gia các phần thi như trình diễn trang phục dân tộc, làm các loại bánh đặc trưng của vùng núi Bắc Kạn. Sân khấu thi trang phục dân tộc truyền thống luôn hấp dẫn người xem bởi những bộ váy áo sặc sỡ, cầu kỳ của cô dâu người Dao đỏ (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) hay trang phục cô dâu Sán Chỉ (xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm). Bên cạnh đó là những bộ trang phục truyền thống của người Tày, Nùng, Mông, Sán Chay... và cả nét duyên dáng trang tà áo dài của phụ nữ người Kinh.
Với các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn, việc ngày hội được tổ chức ngay tại trường đã giúp các em có thêm trải nghiệm lý thú, hiểu hơn về phong tục, tập quán của các dân tộc trên quê hương mình.
Đây là lần đầu tiên ngày hội được tổ chức, những lần tiếp theo chương trình sẽ được tổ chức với quy mô rộng hơn và gắn vào các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh như tuần du lịch Ba Bể, Chợ đêm Na Rì, Chợ đêm Chợ Đồn.../.
Viết bình luận