Mùa trồng cấy trên sắc phục Pa Dí
Bộ trang phục của phụ nữ Pa Dí được làm từ chất liệu tự nhiên, nhuộm màu chàm đem. Áo xẻ tà, dài tới mắt cá chân. Cài khuy bên phải. Nổi bật trên màu chàm ấy là viền cổ ống tay áo ghép vải có màu trắng, màu xanh lam, là hai bên tà áo dài có viền vải trắng, là hàng cúc bạc nhỏ xinh đính to bản nơi mép áo trước ngực được tạo hình như những vạt nương, ruộng lúa của người Pa Dí.
Chị Tráng Lền Dín, người Pa Dí ở thôn Sa Pả 9, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cười tươi khi giới thiệu bộ trang phục truyền thống của mình. “Trên áo người Pa Dí thêu hoa văn lớp lớp như ruộng bậc thang. 12 hàng cúc bạc tượng trưng cho hạt ngô, hạt lạc, hạt đậu… là những giống cây trồng quê mình”.
Ông Lý Seo Dìn, nguyên Trưởng ban dân vận tỉnh ủy Lào Cai, người có nhiều năm sinh sống và làm việc, gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số cho hay, đằng sau những trang trí khéo léo, công phu, những kỹ thuật của người có tay nghề giỏi, người phụ nữ còn gửi gắm nhiều điều trên nếp áo truyền thống của mình.
“Những hoa văn ấy phụ thuộc theo sự khéo léo, chịu khó của người phụ nữ. Người ta là ít vì không có kinh tế. Những người giàu sẽ tra hạt bạc đó bằng hạt ngô. Hạt bắp, hạt đậu để thể hiện kinh tế của mình”. – Ông nói.
Sống nơi núi rừng, người Pa Dí yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, coi trọng những hoa màu, nông sản cả một năm dày công chăm bón, để rồi đem cả tình yêu ấy thêu lên tấm vải chàm, tạo thành nét duyên. Những hạt ngô, hạt đậu, hoa bí đều trở thành những biểu tượng trong thiết kế.
“Trang phục của người phụ nữ Pa Dí rất đầy đủ. Đây là cái yếm màu xanh, đi lễ, đi làm họ mang theo tôn thêm vẻ đẹp của bộ trang phục. Họ thêu hoa bí thể hiện sự ấm no đầy đủ. Khi thu ngô, thu được cả bí vì họ trồng xen canh”. – Ông Dìn cho hay.
Cả một mùa trồng cấy bừng lên thành sắc áo. Chỉ từ những suy nghĩ hồn nhiên, giản đơn, nhưng qua đôi bàn tay sáng tạo, phụ nữ Pa Dí đã làm nên một sắc màu dung dị riêng có của tộc người mình.
Cổ áo cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Áo cổ đứng được nẹp 2 mảnh vải ghép màu xanh và đỏ. Người phụ nữ đính quanh viền mép vải hai hàng cúc bạc nhỏ xinh. Cài ở giữa là khuy áo bạc to bản. Đây cũng là một biểu tượng âm dương độc đáo của người Pa Dí.
Người Pa Dí rất biết cách phối màu. Ngoài những hoa văn chạm bạc đính trên ngực áo, trên cổ áo, chiếc thắt lưng xanh cũng là điểm nhấn ôm trọn vòng eo thon. Nét chỉ thêu hoa văn có màu hồng, màu tím, màu cam được để lộ phần đuôi thắt lưng, đi từ xa bóng dáng của người phụ nữ đã hút ánh nhìn.
Chưa kể, mảnh vải màu xanh thẫm hoặc màu lá mạ được khâu đáp ẩn trong đuôi váy. Chúng lấp ló, lộ dần theo mỗi bước chân càng tô thêm nét duyên của người phụ nữ.
Cả năm trời, người phụ nữ Pa Dí vất vả từng đường kim, mũi chỉ mới làm ra được bộ trang phục như thế. Nếu một lần ngắm nhìn người Pa Dí trong trang phục truyền thống, hẳn bạn sẽ ấn tượng với sắc phục này.
Chiếc mũ - Mái nhà ấm êm
Và chắc chắn bạn sẽ phải trầm trồ với chiếc mũ đặc biệt của người phụ nữ Pa Dí.
Chiếc mũ được làm từ vải lanh dệt thủ công. Sau khi phết hồ sáp ong nhiều lần để tạo độ cứng cho vải, phần trên cùng họ gấp thành hình mái nhà. Phần đuôi mũ được uốn cong về phía sau gáy rồi cuối cùng đính vào chóp nhọn mặt sau của mũ.
Đuôi mũ sau đó còn được đính kèm một mảnh vải thêu hẳn một mảnh bạc vuông gắn kèm nhưng tua chỉ màu. Chân mũ người ta đính những hạt bạc trắng theo viền hoa văn tam giác. Nó cũng ước lệ cho những hạt ngô, hạt gạo và sự no đủ trong cuộc sống của người Pa Dí nơi này.
Trước khi đội mũ, người con gái Pa Dí búi tóc cao lên tận đỉnh đầu, sau đó úp phần tạo dáng mái nhà mũ lên. Phần dưới của mũ được quấn tròn ngay sát trán để giữ cho tóc và phần trên của mũ thêm chặt. Người đội có thể cử động thoải mái mà không rơi.
Chị Tráng Lèn Dín cười hiền bảo: “Cái mũ đây như nóc nhà to, đằng sau như cái bếp nhỏ. Thể hiện sự ấm cúng trong một gia đình. Xưa mình ở là nhà gỗ 3 gian. Vào nhà thì phòng khách có bàn thờ, hai bên là phòng ngủ. Trên sàn để ngô, thóc”.
Chiếc mũ đại diện cho sự sung túc, ấm êm của một gia đình, cho nên đây sẽ là món quà quý mà mẹ chồng sẽ tặng nàng dâu khi đón con về nhà. Không chỉ có vậy, bộ trang sức bằng bạc với cơ man những nét chạm hình chiếc khóa, hình con gà, con cá… cũng là điểm nhấn trên trang phục của người phụ nữ. Đó còn là lời răn dạy của tổ tiên được truyền đời cho các thế hệ cháu con.
Vòng cổ bạc có treo những con cá, chiếc khóa, những tua bạc tinh xảo thể hiện sự giàu sang, phú quý, ấm no và cũng là tình cảm con người với thiên nhiên, vạn vật đã đem lại sự sống cho con người.
“Cái này là chìa khóa đựng của cải của đồng bào người Pa Dí. Trong này vẽ những hình rất đẹp, thể hiện đời sống sinh hoạt của người Pa Dí trong này”. – Ông Lý Seo Dìn cho biết.
Những gì là truyền thống, của ông cha để lại qua bộ trang phục đều được các bà, các mẹ dạy cho con gái mình từ khi còn nhỏ. Để khi lớn lên, mỗi người đều tự biết may cho mình một bộ trang phục của cha ông. Chị Tráng Lền Dín bảo, bộ trang phục ấy cũng là món quà quý mà hai bên nội ngoại dành tặng cho cô dâu khi về nhà chồng.
Với giá trị và nghệ thuật thêu trang trí trang phục, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dù đã có nhiều đổi thay trong nếp sống hiện đại, nhưng trong những ngày trọng đại, lễ tết, hội lớn, chị em phụ nữ Pa Dí vẫn súng sính trong nếp váy truyền thống và chiếc mũ mái nhà.
Nhiều lớp học làm trang phục, làm mũ được các thế hệ lớn tuổi trao truyền cho lớp trẻ. Tháng 8/2023, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương đã tổ chức lớp truyền dạy bảo tồn “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí”.
Lớp học có sự tham gia của các nghệ nhân, trưởng thôn và 30 học viên là phụ nữ dân tộc Pa Dí trên địa bàn thị trấn Mường Khương. Lớp học đã góp phần khêu gợi niềm tự hào, niềm tự tôn dân tộc, khích lệ lớp lớp người dân tích cực bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.
Viết bình luận