Truyền lửa nghệ thuật dân tộc thiểu số từ ghế nhà trường
Thứ ba, 00:00, 05/09/2017
VOV4.VN - Ở huyện miền núi Tiên Yên, Quảng Ninh, có những lớp học đặc biệt. Ở đó, cô bé người Dao không chỉ hát đối của dân tộc mình mà còn biết hát then, cô bé Sán Chỉ, cậu bé Tày nuôi ước mơ trở thành nghệ nhân, đưa văn hóa dân tộc mình đi xa hơn. Qua những câu dân ca, văn hóa mỗi dân tộc thiểu số được truyền lại cho các em tự nhiên như hơi thở.

 

Mỗi thứ 7, nhà sinh hoạt chung của trường THCS và THPT nội trú huyện Tiên Yên lại rộn ràng, ríu rít. Các em học sinh người Dao Thanh Y, Thanh Phán, người Tày, Sán Chỉ quây quần cùng học những bài dân ca Mừng được mùa, Cô giáo Tày, Đất nước tươi đẹp,…

CLB nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số của trường thành lập từ năm 2012, đến nay đã có khoảng 60 thành viên. Vượt đồi núi từ các xã vùng cao cắp sách đến trường, mỗi em một dân tộc, một tiếng nói nhưng đều mê ca hát, say sưa học từng lời hát đối, hát then, soóng cọ...

CLB nghệ thuật dân gian của trường THCS và THPT nội trú Tiên Yên là nơi các em học sinh được học những câu hát dân ca Dao, Tày, Sán Chỉ...

Em Chíu Thị Chi, học sinh lớp 7, là người Dao nhưng rất thích học hát then bằng tiếng Tày. Chi kể, lúc đầu vì không hiểu tiếng nên khó tiếp thu. Nhưng rồi nhờ có các bạn Tày kèm cặp, chẳng mấy chốc mà em đã thuộc lời, tự tin hòa giọng cùng các bạn những câu then dập dìu, sâu lắng.: "Lúc đầu, em chưa thấy thích hát và muốn hát tiếng dân tộc đâu. Về sau có nhiều bạn cùng hát, hay hát cùng nên em thấy nhớ, thấy vui và rất thích hát".

Em Bàn Thế Hưởng, học sinh lớp 9 vừa gảy cây đàn tính, vừa sôi nổi khoe, em còn là “cây văn nghệ” ở lớp. Nhờ thành thạo nhiều bài dân ca, các bạn trong lớp rất thích nghe em hát, thường xuyên yêu cầu những bài hát mới.

Học rất thoải mái, vừa học vừa chơi. Lớp học mở mang cho mình rất nhiều kiến thức. Em cũng muốn học thêm về tiếng hát dân tộc, ca dao dân ca của các dân tộc khác trên cả nước, chơi các nhạc cụ nữa. Ước mơ của em là trở thành một nghệ nhân.

Tiên Yên có nhiều CLB dân ca trong trường học và các xã, truyền lửa say mê cho các thế hệ trẻ

Cô giáo Phạm Chung Thương, tổng phụ trách Đội, kể, việc học hát bằng tiếng các dân tộc khác giúp các em hòa đồng hơn, không còn giao tiếp riêng bằng tiếng mẹ đẻ như ngày đầu. Tuy thế, chính các cô giáo người Kinh lại không thạo tiếng nên việc dạy các em không hề dễ dàng.

Nhà trường thường xuyên mời các nghệ nhân dân gian trong huyện, trong tỉnh tới dạy đàn, dạy hát. Khi học sinh học một, các cô giáo phải học gấp đôi để ghi nhớ, hướng dẫn cho các em sau này. Để thực sự trở thành người bạn của các em, từng cô giáo phụ trách CLB còn học thêm tiếng Dao, Tày, Sán Chỉ.

Cô giáo Thương kể: "Khi các em học thì mình cũng tham gia, là một học sinh luôn. Bắt đầu học, mình nghĩ chắc là khó lắm đây. Nhưng khi vào các bài hát thì mình cũng hiểu được. Các thầy cô khác cũng như mình thôi, lúc đầu thì cũng thấy khó nhưng về sau rất thích, rất đam mê".

Sau nhiều lần giao lưu với nghệ nhân ở các xã, các cô tự sưu tầm nhiều bài múa cổ, hướng dẫn lại cho học sinh. Những tiết mục múa công phu như Sắc màu nón lá (dân tộc Tày), Giao mùa (dân tộc Dao), Hoa rừng,.. do các em trình diễn đã đạt giải cao trong nhiều hội diễn. CLB còn hướng dẫn cách thêu thổ cẩm của người Dao, cách mặc trang phục truyền thống sao cho đúng, cho đẹp...

Không chỉ Tiên Yên, các hoạt động ý nghĩa gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số được tổ chức thường xuyên ở nhiều trường học vùng miền núi Quảng Ninh

Mỗi sáng thứ Hai, học sinh xúng xính trong màu áo rực rỡ của dân tộc mình. Áo chàm người Tày, chiếc mũ đỏ cầu kỳ của người Dao, sắc xanh Sán Chỉ... đẹp tựa những bông hoa rừng giữa sân trường. Nhà trường thường xuyên tổ chức thi hát dân ca, thi trình diễn các trang phục dân tộc.

Các bạn sinh hoạt trong CLB hướng dẫn lại cho nhiều bạn khác. Từ chỗ không biết và không hiểu, những câu hát, điệu múa thấm vào tâm hồn các em hết sức tự nhiên, niềm say mê văn hóa dân tộc được cô và trò hun đúc từng ngày.

Huyện Tiên Yên đã thành lập được 9 CLB hát soóng cọ, hát then, hát đối ở khắp các xã vùng cao Phong Dụ, Đại Thành, Đông Ngũ, Điền Xá,... Ngoài trường học, nhiều em về sinh hoạt tại các CLB nghệ thuật dân gian ở địa phương, tiếp tục học từ người đi trước những câu hát thấm đẫm hồn dân tộc mình. Có em đã ra trường, trở thành cán bộ văn hóa, có em mang tiếng hát rẻo cao đi khắp các sân khấu lớn nhỏ trong ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tiên Yên, cho biết, những CLB dân ca trong trường học góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của huyện miền núi vùng Đông Bắc này. Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, truyền dạy và lưu giữ vốn văn hóa dân tộc, thế hệ trẻ sẽ có ý thức và trách nhiệm với phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc mình.

Một năm học mới bắt đầu, CLB nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số của trường lại đón thêm những học sinh mới. Ở đó, dù ngón đàn còn vụng về, dù chất giọng chưa được chắc, truyền cảm, lời ca của các em trong trẻo như dòng suối, bay xa như hương hoa hồi hoa quế đang theo gió lên ngàn.

 

 

 

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC