Sau mấy năm bị dịch bệnh COVID-19 hạn chế, Tết Quý Mão năm nay, làng Măng Lây, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông, lại có niềm vui sum họp. Bà con tập trung tại Nhà rông, tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh, cùng nhau dùng những bữa ăn cộng đồng. Nhà nào có món ăn ngon, nghè rượu quý thì đều mang ra mời mọi người. Càng nhiều người ăn món mình nấu, uống nghè rượu mình làm thì chủ nhà càng vui cái bụng.
Bà Y Gơ, một phụ nữ trong làng cho biết: bà chuẩn bị món ăn từ mấy tháng trước. Để làm được ghè rượu ngon phải có nguyên liệu tốt. Làm rượu bằng kê hay bằng sắn cũng đều phải chọn loại tốt nhất. Kỳ công hơn nữa là khâu làm men, phải là men lá đúng của người Xơ đăng, phải vào rừng mà tìm đúng cây, đúng thứ cần mang về. Cả làng đông người thế mà cũng chỉ có một, hai người làm được men lá để ủ rượu ghè thôi. Trong suốt quá trình ủ rượu phải đảm bảo ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Khi uống, rượu vàng như mật ong, uống không muốn ngừng mới là rượu ngon.
Tỉnh Kon Tum có trên 500 làng đồng bào dân tộc thiểu số, do điều viện kinh tế khác nhau nên quy mô tổ chức Tết cũng khác nhau. Nhưng ở làng nào cũng có thể nhận thấy sự hào phóng, thân thiện. Lần đầu đến Kon Tum vui Tết ở làng, choáng ngợp trước cảnh cả chục nồi bánh chưng đỏ lửa, cả trăm ghè rượu xếp hàng thẳng tắp mời khách và bất ngờ trước sự mến khách của người dân.
Tết trở lại với niềm vui tự nhiên vì COVID-19 được kiểm soát, nên tiếng cồng chiêng của người Xơ Đăng, Ba Nar, Gia Rai, Giẻ- Triêng, B’râu, Rơ Măm, H’rê ở Kon Tum, như rộn vang hơn và nhịp xoang của các chàng trai, cô gái cũng mềm mại hơn. Những lễ hội trong phạm vi gia đình và cộng đồng được dân làng tổ chức đúng dịp Tết cổ truyền dân tộc làm đậm thêm không gian văn hóa. Với 2.500 bộ cồng chiêng đang được lưu giữ, sử dụng cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống là nét độc đáo trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa- du lịch về với làng dịp Tết ở tỉnh Kon Tum.
Ông Phó Đức Văn, du khách ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội cảm nhận rất rõ điều này: Lần đầu mình đến với Kon Tum và cũng rất may mắn được dự Hội cồng chiêng của các dân tộc của tỉnh Kon Tum. Mình thấy bản sắc văn hóa rất riêng. Cồng chiêng, rồi đàn đá, đàn Klông pút, rồi sắc màu trang phục của bà con dân tộc, tất cả đều rất phong phú.
Bảo tồn văn hóa ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân là một trong những mục tiêu đang được tỉnh Kon Tum nỗ lực thực hiện. Huyện Tu Mơ Rông- huyện vùng sâu đặc biệt khó khăn của tỉnh với trên 95% là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng, cũng sẵn sàng giới thiệu những đặc sản văn hóa của dân tộc mình qua hoạt động du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Tu Mơ Rông, cho biết, du khách đến sẽ cùng các hộ gia đình người Xơ đăng tham gia dệt thổ cẩm và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng- xoang. Rồi tham quan các điểm du lịch, như thác Siu puông, thác Tê rông và ruộng bậc thang ở Măng Ri cũng hay vườn sâm Ngọc Linh.
Với những cảm xúc tươi mới, thân thiện, Tết ở làng dễ khiến người dân và du khách xích lại gần nhau. Khái niệm sum họp ngày Tết tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum vì thế cũng đã vượt ra ngoài phạm vi gia đình và không gian làng./.
Viết bình luận