Mường Tè là huyện xa xôi và hẻo lánh nhất của tỉnh Lai Châu, nhưng Pa Ủ lại là xã khó khăn nhất của huyện Mường Tè. Cách trung tâm huyện khoảng 60km, con đường dẫn lối vào xã Pa Ủ vắt vẻo trên sườn núi cheo leo, những khúc cua tay áo xuống dốc sâu hun hút. Đây là nơi sinh sống của đồng bào La Hủ. La Hủ hay còn gọi là tộc người Lá Vàng bởi trước kia họ sống chủ yếu trên núi cao, săn bắn thú rừng, làm nhà bằng những cành cây, khi nào lá chuyển sang màu vàng và thú rừng hết thì họ lại chuyển đi nơi khác. Do phong tục tập quán của đồng bào còn lạc hậu nên thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, vận động của bộ đội biên phòng, đồng bào La Hủ nhiều năm nay đã ở định cư trong những ngôi nhà gỗ lợp mái tôn. Họ đã biết khai hoang, trồng lúa nước và chăn nuôi ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Pờ Lò Hừ ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ là một minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi thay ấy. Khi bộ đội biên phòng đến vận động, xuống núi ở sẽ bớt khổ, con cái được đi học chữ, không còn đói rét, năm 2014, gia đình anh chuyển về bản mới. Về ở nơi mới có nhà cao rộng, vốn là người tu chí làm ăn và nhanh nhạy trong việc học hỏi làm mô hình phát triển kinh tế nên hiện nay gia đình anh là hộ khá giả nhất trong bản. Hiện, anh Hừ đang nuôi khoảng 130 con trâu, bò, trồng 5 héc ta sa nhân tím,… Từ mô hình chăn nuôi và trồng cây tổng hợp, mỗi năm gia đình anh Hừ có thu nhập gần 200 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên. “Sau khi chính quyền địa phương cùng bộ đội biên phòng hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thành lập bản thì người dân La Hủ sống lẻ tẻ dần về đây ở hết. Gia đình tôi cũng được hỗ trợ phát triển kinh tế nên giờ đã ổn định và tôi còng giúp cho người dân trong bản có việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.”- Anh Pờ Lò Hừ chia sẻ.
Cùng với sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng Pa Ủ về nguồn vốn, cây, con giống, tập huấn khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi... người dân trong xã Pa Ủ đã tích cực đầu tư công sức, khai hoang đất đai trồng sa nhân, ngô, các loại hoa màu, trồng cây dược liệu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cỏ nuôi bò nhốt, nuôi gà, lợn bản... Từ hiệu quả bước đầu của việc thực hiện các mô hình này, đời sống của bà con La Hủ từng bước được nâng lên. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Pa Ủ giảm 5%. Ông Tống Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết, đến xã bây giờ sẽ thấy cảnh ruộng nương xanh tốt, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện; trường học xây dựng khang trang. Nhưng thay đổi lớn nhất phải kể đến phần lớn người dân biết tạo dựng cơ nghiệp cho gia đình, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Thay đổi lớn nhất của bà con ở đây là họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện trồng các mô hình. Phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách chăn nuôi gia súc, đại gia súc, trồng mô hình sa nhân tím và thảo quả, quả đỏ cũng đã cho thêm thu nhập cho các hộ gia đình.”- ông Tống Văn Luân cho biết thêm.
Dân tộc La Hủ hiện có hơn 6.000 người, sống rải rác trên các triền núi cao thuộc 4 xã biên giới Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Thu Lũm và Ka Kăng thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trên những nẻo đường di cư của đồng bao La Hủ, lực lượng biên phòng tỉnh Lai Châu đã lặng lẽ đồng hành. Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, đồng bào La Hủ đã hiểu ra cái lý của Bộ đội biên phòng để xuống núi lập bản định cư, làm quen với cuộc sống mới. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… bộ mặt đời sống của đồng bào nơi đây đã từng bước được cải thiện. Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên đồn biên phòng Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, những năm qua, đối với đồn biên phòng Pa Ủ cùng với cấp ủy chính quyền địa phương luôn luôn có quy chế phối hợp và duy trì rất chặt chẽ, nhịp nhàng về chế độ thông tin và phối hợp làm việc trong củng cố vững mạnh chính trị của địa phương, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào La Hủ.”
Những việc làm thiết thực đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ mang quân hàm xanh, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc trên khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh Lai Châu.
Viết bình luận