Và một trong những "cái nôi" uy tín trong quân đội, đó là Học viện Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam), trụ sở chính đặt tại 124 phố Ngô Quyền, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, từ kết quả và kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức 2 lớp bồi dưỡng chính trị ngắn hạn cho cán bộ quân đội, Tổng Quân ủy đã ra quyết định thành lập Trường Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay). Ngày 25/10/1951 tại bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên khóa học đầu tiên được đón Bác Hồ đến thăm. Người nhấn mạnh: Phải học tập chính trị, quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Lời huấn thị của Người đã trở thành tài sản tinh thần quý báu, mãi mãi soi đường, định hướng cho mọi hoạt động của Học viện Chính trị và sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị của Quân đội ta.
Từ trường Chính trị Trung cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam trên núi rừng Việt Bắc năm xưa, đến Học viện Chính trị ngày nay là một chặng đường đầy khó khăn gian khổ và hy sinh, nhưng rất vẻ vang và rất đỗi tự hào. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Học viện cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây đắp nên truyền thống “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ". Với 7 lần thay đổi tên gọi, 10 lần thay đổi địa điểm đóng quân, song dù với tên gọi nào, ở bất cứ đâu Học viện cũng luôn giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ", đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.
Trong 70 năm qua, Học viện Chính trị đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 9 vạn cán bộ cho Quân đội, cho Đảng và Nhà nước, có 815 đồng chí trở thành tướng lĩnh quân đội, giữ trọng trách cao trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị, có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 2 lần Học viện Chính trị đón nhận danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân", đây là thành quả được tạo nên bởi công lao, trí tuệ rất đáng trân trọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Học viện trong suốt 7 thập kỷ qua. Đại tá Đỗ Huy Hà, Trưởng phòng đào tạo Học viện chính trị cho biết: Học viện hiện tại đào tạo, bồi dưỡng gần 100.000 cán bộ chính trị toàn quân và cho đất nước. Những lực lượng này chính là nòng cốt trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng trưởng thành và truyền thống của quân đội ta.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung thực hiện tốt đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XVI: “Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học”. Phong trào “Dạy tốt, học tốt”; “Giờ giảng hay, bài giảng tốt”; “Quản lý tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt”… đã xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Thông qua phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt, công tác và phục vụ tốt” đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, đáp ứng tốt và vượt chuẩn đầu ra của Học viện.
Từ cái nôi Học viện Chính trị, nhiều cán bộ BĐBP đã phát triển vững chãi, trở thành chỗ dựa tin cậy cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới, nhất là trong công tác xây dựng cơ sở chính trị cho cấp ủy chính quyền địa bàn các vùng biên giới. Chia sẻ của các học viên là BĐBP đang theo học tại Học viện Chính trị:
Thiếu tá Đỗ Văn Nghiệp- Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Chiềng On, Sơn La: "Khi về nhà trường học tập thì tôi cũng cố gắng hết sức để vận dụng kiến thức và lĩnh hội kiến thức, sau này khi về đơn vị cơ sở, đặc biệt là tuyến biên giới tỉnh Sơn La- Cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà đồng bào ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, một trong những địa bàn trọng điểm, tôi cũng xác định trách nhiệm và vận dụng thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với đơn vị; tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, giúp dân trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh cũng như làm tốt công tác đối ngoại trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia"
Trung tá Cao Mạnh Tuấn- Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê- Đăk Lăk: "Thời gian vừa qua, Đắc Lắc có xảy ra vụ khủng bố của các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, xác định đây là địa bàn trọng điểm, do vậy, quá trình được cử đi học, đối tượng là 1 năm rưỡi đào tạo chính ủy Trung Lữ đoàn thì tôi tiếp thu được những kiến thức lý luận mà các giảng viên của Học viện truyền đạt, bản thân sẽ tích cực nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các kiến thức từ lý luận của nhà trường vào thực tiễn đơn vị cơ sở, sau này về công tác, tham mưu cho cấp ủy và Bộ Chỉ huy biên phòng, đặc biệt là phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn như công an, quân sự để đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Qua đó ổn định tình hình, để bà con nhân dân biên giới yên tâm cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình mới".
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn- Cao Bằng: "Học tập chính trị là một yếu tố để trang bị cho mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người chỉ huy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình để ra những quyết định quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có tầm nhìn xa hơn là tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Qua tiếp xúc với những cách thức truyền đạt kiến thức của thầy cô giáo, mình lại tích lũy thêm, học hỏi thêm phương pháp tuyên truyền, có cách thức tuyên truyền để bà con nhận thức sâu hơn, dễ hơn, dễ hiểu hơn, đạt được hiệu quả hơn, quá trình đi tham mưu cho cấp ủy chính quyền làm sao đẩy mạnh xây dựng đời sống của nhân dân cũng như phát triển kinh tế địa phương".
Trung tá Lù Lò Chừ, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thu Lũm- Lai Châu: "Kiến thức chính trị hiện nay chúng ta thấy là quá rộng, để nghiên cứu và vận dụng trong hoạt động thực tiễn trong đơn vị cũng như là trong công việc, đặc biệt là đặc thù đối với bộ đội nói chung và lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng, thì việc vận dụng lý luận vào trong hoạt động thực tiễn là một quá trình, phải được đào tạo, bồi dưỡng, phải có trình độ chuyên môn, đặc biệt là phải có kinh nghiệm đối với địa bàn khu biên giới, chủ yếu là đồng bào các dân tộc cùng đan xen sinh sống và bất đồng về ngôn ngữ, trình độ của bà con cũng như là vấn đề giao tiếp giữa các dân tộc, đặc biệt là việc phân bố dân cư rất xa. Trong quá trình truyền đạt những lý luận đã được học tập, rèn luyện trong môi trường học viện, nhà trường đưa vào thực tiễn, một người chỉ huy, một người cán bộ tuyên truyền phải nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình. Đó là cách tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền như thế nào. Nếu chúng ta tuyên truyền đúng đối tượng và tuyên truyền đúng biện pháp, chúng ta sẽ đạt được những kết quả thuận lợi trong công tác quản lý biên giới cũng như là việc duy trì an ninh chính trị trật tự xã hội trên địa bàn".
Viết bình luận