Phát huy vai trò tổ tự quản nhân dân trong bảo vệ biên giới Cao Bằng
Thứ năm, 09:57, 07/03/2024 Công Luận - Tuấn Anh/VOV Đông Bắc Công Luận - Tuấn Anh/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới dài hơn 330km. Từ nhiều năm qua, Cao Bằng đã thành lập, duy trì và phát huy tốt vai trò mô hình "Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới" tại các xóm, xã... góp phần quan trọng cho sự bình yên nơi biên cương tổ quốc.

 

Đã thành quy ước hàng tháng, cả 5 thành viên trong Tổ tự quản đường biên, cột mốc của xóm Cáy Tắc lại cùng cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Nặm gặp gỡ, trao đổi tình hình an ninh, trật tự và chuẩn bị kế hoạch tổ chức tuần tra và vệ sinh, phát quang đường tuần tra biên giới.

Cáy Tắc là xóm có 100% đồng bào dân tộc Nùng sinh sống, cũng là địa bàn xa nhất của xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, đường vào xóm biên giới này tới 7km, chủ yếu là đường đồi núi dốc. Chính vì vậy, tổ tự quản đường biên tại Cáy Tắc đã được thành lập, duy trì từ hàng chục năm qua với thành phần nòng cốt là cán bộ, đảng viên trong xóm.

Chị Ngụy Thị Hường, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ tự quản biên đường biên xóm Cáy Tắc, xã Lũng Nặm cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền bà con tham gia thực hiện các nội dung quy định bảo vệ biên giới, không buôn lậu, xuất cảnh trái phép, muốn qua thăm người thân phải xin phép các tổ, trạm Biên phòng rồi làm thủ tục theo quy định. Chúng tôi tự hào được cùng lực lượng Biên phòng đi đảm bảo an ninh cho bà con yên tâm sản xuất. Mình là người dân ở đây, việc làm này cũng là để bảo vệ cho mỗi người, mỗi nhà, để đảm bảo cuộc sống người dân xóm biên”.

Anh Ngụy Văn Đông, thành viên của tổ tự quản xóm Cáy Tắc chia sẻ: Nhiều năm qua, Cáy Tắc không để xảy ra vi phạm, mất an ninh trật tự và cả xóm đều tích cực cùng bộ đội biên phòng tuần tra, phát dọn vệ sinh đường biên cột mốc. Dù lượng công việc không nhỏ nhưng các thành viên trong tổ luôn ý thức được rằng, bảo vệ đường biên cũng là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

“Mỗi tháng bảo đi tuần tra phải đòi vài trăm nghìn đồng chẳng hạn là chúng tôi không ai đòi đâu ạ. Nhiệm vụ chung rồi, người dân giáp biên được tham gia là tự hào rồi. Có các anh Bộ đội Biên phòng nữa, đường biên lúc nào cũng yên ổn là tốt rồi. Bảo vệ chủ quyền không phải chỉ riêng bộ đội, mà giữ đất, giữ chủ quyền là trách nhiệm của mỗi người dân trong xóm, nên tôi quyết định tham gia tổ tự quản và vận động người thân cũng tích cực tham gia”. - Anh Ngụy Văn Đông nói.

Theo thượng tá Sái Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Nặm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, ngoài Cáy Tắc, các tổ tự quản đã được xây dựng, duy trì hoạt động tại tất cả các xóm thuộc 2 xã do đồn quản lý là Lũng Nặm và Cải Viên, huyện Hà Quảng.

Nhờ sự phối hợp tích cực của người dân, hơn 23km đường biên do Đồn quản lý luôn được giữ vững. Cao Bằng là một trong các địa phương đầu tiên triển khai mô hình Tổ tự quản đường biên, mốc giới gần 30 năm trước.

“Hiện khu vực Đồn Biên phòng Lũng Nặm quản lý có 9 tổ tự quản biên giới, 13 tổ tự quản an ninh trật tự, ngoài ra còn có các tổ tự quản ở trường học, trạm y tế…với tổng số 35 tổ. Thông qua các hoạt động lao động sản xuất, bà con đã cung cấp cho bộ đội những thông tin rất có giá trị. Nhất là qua các hoạt động sản xuất trên sát biên giới, các hoạt động vi phạm chủ quyền hoặc vi phạm khác đều đã được bà con đã thông tin kịp thời cho bộ đội Biên phòng”. - Thượng tá Sái Văn Hùng cũng cho biết.

Trên chiều dài hơn 330km đường biên qua địa bàn 7 huyện, Cao Bằng đã thành lập được 155 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới tại 100% xóm biên giới và gần 400 Tổ tự quản an ninh trật tự tại các xóm, bản và cơ quan, trường học nằm trên các xã biên giới.

Các tổ tự quản với thành viên là cán bộ chủ chốt các xóm, bản như “tai mắt” của lực lượng Biên phòng và cũng là các hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ an ninh chủ quyền. 

Chị Triệu Thị Huế đã có hơn 5 năm tham gia Tổ tự quản đường biên xóm Pò Rẫy, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Ở đây chúng tôi đi lại, làm ruộng, nương rẫy quanh khu vực đường biên, nên có gì khác lạ sẽ báo ngay cho bộ đội biên phòng. Đặc biệt lúc xảy ra dịch COVID-19, khu vực này rất nhiều người hai bên qua lại, chúng tôi triệu tập các tổ phụ nữ, cắt cử nhau hôm nay tổ này, mai tổ khác, thay phiên nhau trực từ 21h tối hôm nay đến 6h sáng hôm sau, hôm sau lại như thế. Dù có vất vả chúng tôi cũng không đòi hỏi gì, làm thế cũng chính là bảo vệ cho chính con em của chúng tôi nữa”.

Thượng tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cũng đánh giá: Rất nhiều thông tin có giá trị đã được nhân dân cung cấp để lực lượng chức năng kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi như xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm và các nguy cơ mất an ninh trật tự khác.

Cao Bằng xác định trong thời gian tới, các tổ tự quản sẽ tiếp tục là nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, để mỗi người dân, mỗi bản làng như một "lá chắn thép", bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc.

Công Luận - Tuấn Anh/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC