Hoàn thiện đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030
Thứ hai, 00:00, 09/03/2020 Việt Phú BT CT Việt Phú BT CT
VOV4.Vn - Ngày 18/11 năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để trình Quốc hội tại phiên họp thứ 9, diễn ra trong tháng 5/2020.

Việc chỉnh sửa, góp ý và hoàn thiện đề án chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa để trình Chính phủ và Quốc hội, do vậy, những đóng góp của các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách là vô cùng cần thiết. Những vấn đề đưa ra trong dự thảo và góp ý sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp đến các Bộ ngành như Bộ NN và PTNT, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, TT & DL, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Quốc phòng...Mới đây, Ủy ban Dân tộc - cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối, đã tổ chức buổi tham vấn đại diện các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nội dung tham vấn tập trung trực tiếp vào các tiểu dự án nằm trong 10 dự án được phê duyệt. Đó là việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển kinh tế lâm nghiệp; Cứng hóa đường giao thông nông thôn; Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường bán trú, phổ thông dân tộc nội trú, xóa mù chữ; Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Bảo tồn văn hóa; Chăm sóc sức khỏe nhân dân; Thực hiện bình đẳng giới… và một số vấn đề quan trọng khác nữa.

Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiếu số. Ảnh KT

Tại buổi tham vấn, đóng góp dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại diện Bộ Y tế cho rằng: những vấn đề liên quan đến chuyên môn, chuyên ngành cũng như can thiệp sâu được trình bày trong dự thảo, như: hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đối với bà mẹ mang thai được tầm soát 4 loại bệnh tật như Down, Edward, Patan hay tan máu bẩm sinh cần phải tiến hành đồng bộ, bài bản, bởi đây là những lĩnh vực cần phải có các cơ quan chuyên môn, đòi hỏi sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sự can thiệp sâu của tuyến Trung ương.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, chủ nhiệm UBDT cho rằng, cái mà chúng ta cần xây dựng là làm sao cải thiện được chất lượng sống, chế độ dinh dưỡng đối với bà mẹ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí tới đây, UBDT sẽ triển khai đề án riêng, sử dụng ngân sách của UBDT cho việc cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số được uống sữa, nhằm giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao 32%.

Trong vấn đề cứng hóa đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã và đường trục thôn bản của dự án 4, thuộc lĩnh vực của Bộ giao thông vận tải, thì theo cách tính đơn giản, vùng dân tộc thiểu số còn trên 4.000 km cần cứng hóa. Tính trung bình, mỗi km chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng, thì số kinh phí cần để cứng hóa đường ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số là rất lớn. Do vậy, UBDT yêu cầu Bộ GTVT cần có một cách tính toán cụ thể, tham góp vào dự thảo, làm sao đảm bảo được mức đầu tư cho phép.

Vùng đồng bào DTTS còn 4000km đường cần cứng hóa. Ảnh KT

Trong tiểu dự án 2 của dự án 10 về thông tin tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật giai đoạn 2021-2025, đại diện Bộ TT&TT kiến nghị, cần đưa việc cấp một số ấn phẩm hay radio cho vùng DTTS&MN thành chương trình, nhưng chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả... Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo giữa các Bộ trong việc phân công nhiệm vụ.

Tại buổi tham vấn các bộ ngành cho dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại diện Bộ TN&MT đã nêu ý kiến về  việc xây lò hỏa táng, đáp ứng nhu cầu cơ bản, cấp bách của cộng đồng người Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng: Nguồn kinh phí này mới chỉ đáp ứng được việc xây dựng lò hỏa táng còn các công trình phụ trợ cũng cần phải được quan tâm.

Một vấn đề nữa mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến hoàn toàn hoan nghênh với đại diện Bộ Công thương, đó là câu chuyện giao thương và việc cần hình thành chợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng: đây mới là những vấn đề thiết thực, bởi việc giao thương hàng hóa, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm vùng miền, nhất là vùng DTTS hiện còn hạn chế. Hàng hóa chủ yếu lưu thông qua các buổi chợ phiên, không thường xuyên, mặc dù sản phẩm chất lượng, nhưng chưa có nhiều khách hàng tiếp cận được.

Kết luận tại buổi đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng - Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng: việc đại diện các bộ ngành tham vấn những vấn đề bức thiết, các chính sách liên quan đến lĩnh vực dân tộc, không trùng lắp với các chương trình mục tiêu khác là việc làm thiết thực và đầy trách nhiệm với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC