Gia Lai giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Thứ ba, 14:12, 03/01/2023 Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Với phương châm, không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững. Chương trình đã giúp hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đôi tay thoăn thoắt cắt và bó cỏ trong vườn nhà, ông Rơ Chăm Chon, sinh năm 1977, làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, cho biết: Con bò cái mà chính quyền huyện hỗ trợ gia đình ông năm 2021, sắp sinh lứa thứ 2 nên phải chăm cẩn thận. Cùng đợt được hỗ trợ bò với ông, còn có 4 hộ khác ở làng Mrong Ngó và nhà nào cũng có thêm ít nhất 1 bê con. Với ông Chon, bò bây giờ là của để dành, vì gia đình đã có thu nhập thêm khoảng gần 10 triệu mỗi tháng nhờ có 2 lao động mới được tuyển làm công nhân cao su.

Ông Chon phấn khởi cho biết, Nhà nước đã hỗ trợ chúng tôi giống bò, làm nhà và tạo điều kiện cho vợ tôi đi làm công nhân cao su với tiền lương 3 đến 4 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống, mua gạo hằng ngày và chăm sóc cà phê. Có ít tiền tiết kiệm mua giống cà phê, mua máy để bơm tưới.

Còn tại làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, nhóm thợ xây nhà cho gia đình chị Rơ Chăm Thùy, sinh năm 1983, đang khẩn trương hoàn thiện căn nhà để kịp cho gia chủ đón Tết. Được hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo, vợ chồng chị Thùy mượn thêm họ hàng 2 bên thêm 40 triệu đồng để xây căn nhà cấp 4 gần 50m2. Ngôi nhà dù chưa lớn nhưng sạch sẽ và chắc chắn. Nhờ đó, gia đình chị Thùy đã yên tâm về nơi ở và có những tính toán mới trong đầu tư sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

Từ năm 2016, khi Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, tới nay, hàng năm, các hộ nghèo ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi năm để triển khai những hoạt động giảm nghèo. Để nguồn vốn được triển khai hiệu quả, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các ban dân thôn, thống kê số hộ  nghèo, phân tích nguyên nhân gốc rễ đối với vấn đề nghèo và tái nghèo của từng hộ dân. Từ đó, triển khai chương trình phù hợp với nguyện vọng như dạy nghề, tập huấn thay đổi tập quán sản xuất, làm nhà mới, tặng bò sinh sản, tặng máy móc nông cụ sản xuất nông nghiệp… Phương châm của địa phương là hỗ trợ bà con tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai chiếm gần 1 nửa dân số toàn tỉnh, nhưng số hộ nghèo lại chiếm tới 88%. Vì thế, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 tới 2022, tỉnh giải ngân trên 1.400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng ở các huyện nghèo và các thôn làng. Nguồn vốn này được cụ thể hóa thành nhiều tiểu dự án, như hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo...

Kết quả, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh Gia Lai giảm 16% tổng số hộ nghèo, bình quân giảm hơn 3%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân  hơn 5%/năm... Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm.

Ông Phạm Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, Ngành lao động, thương binh sẽ tham mưu cho chính quyền, cấp uy cơ sở xây dựng những giải pháp cụ thể, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ trung ương; phối hợp với các mặt trận, đoàn thể, chính trị, xã hội các cấp để huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để đầu tư cho người nghèo phát triển sản xuất.

Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp uỷ và chính quyền các địa phương, cùng sự đoàn kết, chung tay và nỗ lực của nhân dân, tại Gia Lai, cái nghèo đang nhanh chóng bị đẩy lùi. Năm 2022 gặp nhiều thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt gần 9,3%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch. Điều đó cho thấy, nhân dân các dân tộc tại tỉnh Gia Lai đang vượt khó hiệu quả, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống ngày càng nâng cao hơn./.      

 

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC