Nhanh chóng hoàn thành mục tiêu cấp điện cho vùng dân tộc
Thứ ba, 07:47, 04/06/2024 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
Trong chương trình làm việc tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Một số Đại biểu đề xuất cần hoàn thành mục tiêu cấp điện nông thôn cho miền núi, hải đảo, tạo điều kiện phát triển KT-XH cho khu vực này.

Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và vùng dân tộc thiểu số đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện còn 17,82 %, giảm 3,2 %. Nhìn vào con số này, có thể thấy công tác xóa đói giảm nghèo đang được thực hiện tốt. Song, qua giám sát và nắm tình hình đời sống nhân dân của đồng bào dân tộc thiểu số có thể thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp. Ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên, nhưng so với mặt bằng chung còn thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt vẫn là khó khăn ở nhiều địa phương. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của nhân dân. Trong đó thiệt hại của các hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tương đối lớn, vì là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Đại biểu Hoàng Thị Đôi, ĐBQH tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhất là các tỉnh có đông dân tộc thiểu số thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Từ đó tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn Đại biểu tỉnh Yên Bái nêu lên thực trạng tuyển dụng viên chức vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển còn rất khó khăn. Tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng người đăng ký tham gia dự tuyển rất ít, thậm chí một số chỉ tiêu tuyển dụng không có ứng cử viên tham gia dự tuyển. Các đơn vị sự nghiệp được giao biên chế nhưng không thể tuyển được viên chức làm việc, dẫn đến thiếu người làm việc, ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh lại một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có tính đến các yếu tố đặc thù trong tuyển dụng. Không nhất thiết tất cả các lĩnh vực đều yêu cầu phải có trình độ đại học. Đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có thể cho tuyển dụng trình độ cao đẳng và có lộ trình đào tạo, nâng cao trình độ để đảm bảo tiêu chuẩn viên chức theo quy định. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét tiếp tục cho thực hiện cơ chế cử tuyển để đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương giải quyết vấn đề khó khăn trong tuyển dụng viên chức hiện nay.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 có xác định nhiệm vụ là: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo, giai đoạn 2021 - 2025. Nhưng đến nay, theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước vẫn còn 160.000 hộ chưa có điện, 715.000 hộ dân cần cải tạo đường điện trên địa bàn 3.000 xã, trong đó có một số xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Theo trả lời của cơ quan chuyên môn, nội dung này đến nay chưa cân đối được kinh phí đầu tư.

Cũng quan tâm đến vấn đề cung cấp điện cho địa bàn khó khăn, Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn Đại biểu tỉnh Cao Bằng cho rằng: "Việc đầu tư cấp điện cho các khu vực miền núi biên giới và hải đảo còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, giúp người dân ở những khu vực này có điều kiện thường xuyên nắm bắt thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân để không bị kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo bằng những thông tin sai lệch giúp người dân ổn định đời sống lâu dài, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới biên giới hải đảo của Tổ quốc". Vì lý do đó, Đại biểu Đoàn Thị Lê An tha thiết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành huy động tối đa các nguồn lực thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100 % các hộ dân nông thôn miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia.

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC