Cần thêm giải pháp để trẻ em gái DTTS được đến trường
Thứ ba, 07:49, 04/06/2024 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
Theo Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Thảo luận trên nghị trường Quốc hội, một số Đại biểu cho rằng, riêng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác bình đẳng giới vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước. Quyền bình đẳng và cơ hội của nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được quan tâm và thể hiện trong các luật, các chương trình, các đề án nhằm thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung có chuyển biến rất rõ nét, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn bộc lộ những tồn tại cần giải quyết. Định kiến giới vẫn là rào cản chủ yếu đối với những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguồn kinh phí bố trí cho thực hiện công tác bình đẳng giới hạn hẹp, chưa đáp ứng so với nhu cầu đặt ra. Công tác thống kê, kiểm kê, báo cáo phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ.

Từ những tồn tại hạn chế này, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông kiến nghị: "Cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội; trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ điều kiện cần thiết để nâng cao chỉ số phát triển giới đối với các địa phương mà chỉ số giới thấp hơn mức trung bình chung của cả nước".

Riêng về lĩnh vực giáo dục ở vùng DTTS và miền núi, theo báo cáo của Chính phủ: Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 96%; Tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở năm học 2022-2023 đạt 90%, năm học 2021-2022 đạt 89%. Đây là một trong những tiêu chí vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và đạt chỉ tiêu đến năm 2030. Song, theo đại biểu Tráng A Dương, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hà Giang, Kết quả thống kê này có thể chưa chính xác: "Theo quan điểm của tôi thì hoàn thành giáo dục tiểu học, em trai và em gái dân tộc thiểu số đạt đến 96 % thì con số này quá cao, thực tế thì chưa chắc đã đạt được. Chính vì vậy tôi đề nghị cần phải xem lại số liệu này."

Một ý kiến khác cũng đến từ đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang, đại biểu Lý Thị Lan nhận định, ngay cả khi đã hoàn thành bậc tiểu học, cơ hội học lên bậc học cao hơn của trẻ em gái dân tộc thiểu số cũng bị hạn chế rất nhiều. Đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chính phủ cần có giải pháp căn cơ bằng chính sách trong lĩnh vực giáo dục, để trẻ em gái dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường nhiều hơn. Việc các em được sinh hoạt trong môi trường bán trú sẽ có tác động tích cực đến thể chất, nhận thức, trình độ văn hóa của trẻ em gái, cũng như cơ hội để các em phát triển sinh kế sau này.

Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị: "Vấn đề bình đẳng giới thì chúng ta phải đi từ cơ sở và phải đi từ vấn đề giáo dục. Chúng ta tập trung vào những chính sách cho giáo dục vì nhận thức và thay đổi của một phụ nữ thì nó sẽ liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển đến sinh kế và phát triển đến hạnh phúc gia đình và việc nuôi dạy con cái là thế hệ sau này nữa. Tôi đề nghị có những chương trình tổng thể về việc xây dựng các trường bán trú để làm sao để đưa những trẻ em vùng sâu, vùng xa đến trường. Như vậy mới dần dần dần mới có thể thay đổi được chất lượng về dân số về, tỷ lệ nữ để tham gia vào phát triển kinh tế xã hội hoặc để xây dựng hạnh phúc gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số."

Có thể nói, thời gian qua, Nhà nước đã phát huy vai trò trong việc đảm bảo bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số với việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Tiêu biểu có thể kể tới như: Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025: Dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Với những kiến nghị của các Đại biểu, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.   

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC