Chương trình MTQG mới: Làm rõ, đánh giá toàn diện các nội dung
Thứ ba, 13:04, 11/06/2024 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
Trong phiên họp tổ thảo luận góp ý về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035, một số đại biểu đã chỉ ra những quy định của chương trình có thể gây khó khăn cho các địa phương miền núi, vùng DTTS trong quá trình triển khai.

  Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được xây dựng với 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể và 10 nội dung thành phần, nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”; Phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

  Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6%. Trong phiên thảo luận tại tổ diễn ra vào chiều thứ 7 (8/6), nhiều đại biểu thống nhất về tính cần thiết của chương trình, song đối tượng đầu tư còn dàn trải. Nhiều nội dung đã được thực hiện trong 3 Chương trình MTQG trước, như ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Đại biểu tỉnh Lào Cai.

  Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu về văn hoá đưa ra trong báo cáo chưa có đánh giá thực trạng rõ ràng. Lấy ví dụ về chỉ tiêu "Phấn đấu 80 % nam nữ thanh niên trước khi kết được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc", Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn Đại biểu tỉnh Nghệ An cho rằng: "Không rõ thanh niên hiện nay trước khi kết hôn đã được cơ quan, tổ chức nào giáo dục tư vấn về hôn nhân gia đình, công tác này đã đạt được tỷ lệ bao nhiêu mà mục tiêu là 80 %".

  Đặc biệt, một số đại biểu đến từ các tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như Lào Cai, Bắc Cạn cho rằng, quy định tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 24,6% là quá cao. Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Cạn phân tích: Báo cáo của Chính phủ có nêu rằng: “Một số nơi thiết chế văn hóa cấp tỉnh chưa có trụ sở hoạt động đúng chức năng. Tình trạng thiếu thiết chế văn hóa hoạt động còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh hoặc không đúng quy định, quy mô kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng, hoặc là được đầu tư từ giai đoạn trước, quy mô xây dựng nhỏ, lỗi thời.” Đây là vấn đề cần nguồn lực đầu tư rất lớn, nếu quy định cho địa phương đối ứng lớn như vậy thì chắc chắn sẽ khó thực hiện.

  Nhiều đại biểu cũng lo lắng về sự chồng chéo, đầu tư giàn trải giữa Chương trình Văn hóa với nội dung về văn hóa của 3 Chương trình mục tiêu đang được thực hiện là Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần phải có sự rà soát, tích hợp các nội dung để có thể đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

  Kết luận tại tổ thảo luận có các tỉnh Quảng Ngãi, Bắc Cạn, Nghệ An, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra yêu cầu: Chương trình MTQG Phát triển văn hoá phải có sự rà soát mục tiêu, đối tượng phù hợp. Trong đó tập trung vào ba vấn đề là: di tích di sản, thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa, tạo ra đột phá để phát triển văn hoá. Đặc biệt, Chương trình mới không được để lặp lại những khuyết điểm của 3 Chương trình MTQG trước đã rút kinh nghiệm.

  Do Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng quy định, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện, hầu hết các đại biểu tán thành Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp. Trong đó, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào cuối năm.

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC