Đàn tính-nhạc cụ độc đáo trong sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Tày-Nùng-Thái.
Thứ ba, 06:39, 26/11/2024 Giàng Seo Pùa/VOV4 Giàng Seo Pùa/VOV4
VOV4.VOV.VN-Trong hát then của người Tày-Nùng-Thái, cây đàn tính (còn gọi là tính tẩu) giữ một vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Nó vừa là dẫn dắt, vừa là nhạc đệm, nhưng đồng thời cũng là một giọng hát thứ hai, bổ sung cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng. (Chương trình Giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày 24/11/2024).

 

Đồng bào Tày, Nùng là hai dân tộc sinh sống chủ yếu tại các tỉnh vùng Đông Bắc, một số tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên. Với họ, trong các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cũng như tín ngưỡng tâm lin thì  cây đàn tính có vai trò vô cùng quan trọng, dùng để đệm hát then.

 

Hát then là một loại hình âm nhạc truyền thống của người Tày, Nùng mang màu sắc tín ngưỡng với nội dung kể lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới để cầu xin ông trời giải quyết một vấn đề gì đó ở dưới hạ giới. Về cây đàn tính,  gười Tày, Nùng có hẳn một truyền thuyết-đó là câu chuyện về chàng Xiên Cân.

Cây đàn 3 dây bằng tơ này chính là cây đàn tính của người Tày, Nùng. Về phần Xiên Cân, sau đó chàng lấy được vợ, sinh con, sinh cháu và nhiều con cháu tiếp nối ông cha chơi đàn tính, hát then và truyền cho đến ngày nay.

 

Để tiếng đàn tính mãi lan tỏa cùng với lời hát then, hiện nay, ở hầu hết các tỉnh có đồng bào Tày, Nùng sinh sống đều có các nghệ nhân chế tác cây đàn tính. Và một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên cây đàn tính chính là quả bầu.

Khi đã có quả bầu, những người nghệ nhân sẽ tìm gỗ về làm cần đàn, nắp đàn và một số bộ phận khác của cây đàn. Với cần đàn, tùy thuộc vào mục đích yêu cầu của người sử dụng dùng đàn vào việc gì thì người nghệ nhân sẽ chế tác ra cần đàn có độ dài thích ứng. Với người Tày, Nùng, cần đàn thông dụng nhất hiện nay là cần dài 7, 8, 9 nắm tay chồng lên nhau

Với đồng bào dân tộc Thái trên mảnh đất Điện Biên lịch sử và vùng đất Lai Châu (nhất là nhóm Thái trắng) khi nhắc đến cây đàn tính là nói đến nghệ nhân Mào Văn Ết ở tổ 6, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên); nghệ nhân Lò Văn Sơi ở bản Cang Mường, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu). Hơn 50 năm gắn bó với cây đàn tính hai nghệ nhân đã chế tác ra hàng nghìn cây đàn để phục vụ đồng bào trong vùng và truyền dạy cách chơi đàn tính cho thế hệ trẻ.

 

Nhạc cụ đàn tính cùng với lời then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở nước ta là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc do nhân dân lao động sáng tạo gắn liền với cuộc sống hàng ngày, trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của nhân dân.

 

Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, hát then đàn tính đã góp phần hun đúc tâm hồn, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Đồng thời, nó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cơ hội để cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Giàng Seo Pùa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC