KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH - Loạt bài "Định vị nông nghiệp Tây Nguyên trong chuỗi giá trị toàn cầu"- Bài 3: Trên dưới đồng lòng dẫn dòng cho nông nghiệp Tây Nguyên
Thứ bảy, 07:47, 09/11/2024 Dương Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên Dương Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Trong các chương trình trước, chúng tôi đề cập ưu thế rõ nét của nông nghiệp Tây Nguyên trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu khi thế giới chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh, Tây Nguyên cũng bộc lộ không ít bất cập, đang rất cần đến sự chủ động trong công tác quản lý nhà nước, phát huy được vai trò của mỗi địa phương theo phương châm “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” khi triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, nông nghiệp là trọng điểm. Cùng với đó, cần đến “phản ứng chính sách kịp thời, sát với thực tiễn” như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

 

Khuyến nông “thủ công” giữa thời đại số

Cận mùa thu hoạch cà phê, gần 30 nông dân ở thôn 9, xã Ea Sar, huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk, hào hứng với lớp tập huấn hiện trường về “canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu”, do Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar tổ chức. 10 vấn đề được nêu để cả lớp cùng xem xét, thảo luận ngay tại vườn cây, là sự đúc kết những gì quan trọng nhất, thiết thực nhất với nghề trồng cà phê ở Tây Nguyên. Kèm theo đó là tập tài liệu hướng dẫn in màu rất đẹp.

Mặc dù ưu việt về nội dung, nhưng lớp tập huấn lại kém hẳn về hiệu quả so với các nội dung số về kỹ thuật nông nghiệp, đăng tải trên các mạng xã hội. Lý do là lớp học diễn ra hoàn toàn “thủ công”, chỉ phục vụ 1 lần, hướng tới gần 30 nông dân của lớp học. Phần còn lại của cộng đồng cà phê, không được biết đến.

Tại sao những cán bộ khuyến nông trình độ cao, giàu tâm huyết như Đắk Lắk và cả Tây Nguyên, lại không hoạt động trên các nền tảng số, để tất cả nông dân trong khu vực cùng hưởng lợi? Trả lời thắc mắc, kỹ sư Nguyễn Văn Kiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar chia sẻ: Để sản xuất nội dung số và phát hành thường xuyên trên nền tảng các mạng xã hội, cần đến thiết bị, kỹ thuật dàn dựng, chi phí vận hành... nhưng chưa có đơn vị khuyến nông nào sẵn sàng đầu tư.

“Dân mình bây giờ chủ yếu vẫn là làm tự phát. Còn sự hỗ trợ của địa phương của Nhà nước thì chính sách theo kịp nhưng sự đầu tư lại không theo kịp"- kỹ sư Kiên chia sẻ.

Chậm chạp khi đoàn tàu mất lái

Cùng với những hạn chế mang tính căn cơ xuất phát từ vấn đề nguồn lực, nông nghiệp Tây Nguyên không ít lần có dấu hiệu “mất lái”, nhất là trong ngành sầu riêng đang bùng nổ hiện hay.

Trong mối “liên kết 3 nhà” là: “Nhà nông” - “Nhà thu mua” và “Nhà nước”, thì nhà nông và nhà thu mua ở khu vực này đang phát sinh mâu thuẫn gay gắt liên quan đến phân loại chất lượng và giá bán. Còn bên thứ 3 là “Nhà nước”, lại chưa thể hiện vai trò của mình khi chưa tạo được quy định phù hợp, không thể làm “trọng tài” hóa giải mâu thuẫn, mặt khác cũng không thể có biện pháp chế tài những tiêu cực phát sinh. Cộng đồng sầu riêng thậm chí đã chế những đoạn “nhạc rap” đầy chua xót về những gì đang gặp phải. Nổi cộm trong đó là tình trạng tranh mua, phá giá, bẻ kèo phá hợp đồng và thách thức lẫn nhau… năm nào cũng xảy ra.

Vai trò quản lý nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển nhanh, nông nghiệp Tây Nguyên đang đối mặt nhiều rủi ro vì mâu thuẫn nội bộ các ngành hàng; đối mặt rủi ro thả nổi chất lượng do thiếu những bộ tiêu chuẩn phù hợp. Nông nghiệp Tây Nguyên cũng mất cân bằng do thiếu sản phẩm chế biến sâu mà lý do quan trọng là quy hoạch, quản lý về đất đai, công nghiệp - xây dựng không thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia. Không ít doanh nghiệp không hoạt động, các dự án kém,  đang chiếm chỗ tại các khu cụm công nghiệp còn các doanh nghiệp hữu ích, có hồ sơ tài chính và mức đóng góp ngân sách rõ ràng, lại gặp khó khăn. 

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ nông trại EDE, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, những “lỗ hổng” về tiêu chí ưu đãi đầu tư cần sớm được khắc phục. “Khi địa phương có lộ trình xây dựng rõ ràng thì nên ưu tiên những doanh nghiệp địa phương đã hoạt động rồi, có đầu ra rồi. Tránh trường hợp có những cá nhân lợi dụng chính sách, đầu cơ quỹ đất rồi để trống đó.Còn doanh nghiệp sản xuất-thương mại như bọn tôi đã hoạt động lâu năm ở địa phương, có báo cáo thuế rõ ràng, lại không có cơ hội tiếp cận được quỹ đất như vậy”- ông Hoàng Danh Hữu kiến nghị.

Tây Nguyên hiện có gần 2 triệu héc ta đất trồng trọt và hơn 2 triệu héc ta rừng. Điều này được lãnh đạo các tỉnh nhận định là có lợi thế nhất cả nước về triển khai nông - lâm - du lịch kết hợp, tiến tới chiếm thị phần trong phân khúc du lịch nông lâm có giá trị hàng trăm tỷ đô la, nhưng phương châm "Nông nghiệp, du lịch và cà phê thống nhất trong một chiến lược và ý chí", được Chính phủ gợi ý từ năm 2017, đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa. Tại hội nghị của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu thực tế, hầu như tất cả các cơ sở “Nông - Lâm - Du” hiện có ở Đắk Lắk, Đắk Nông đều chấp nhận “cứ làm cho được việc”.

Còn ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương dẫn đầu Tây Nguyên về cả du lịch và nông - lâm nghiệp cho biết, tỉnh chưa chạm được vào thị phần du lịch nông - lâm trăm tỷ đô la của thế giới, do khó đáp ứng các quy định hiện hành. “Du lịch nông - lâm trên thế giới năm 2019 có giá trị 190 tỷ USD và năm 2026 dự kiến sẽ là 260 tỷ, thì tiềm năng rất lớn, không vùng nào bằng Tây Nguyên hết. Nhưng Nghị định 156 (hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp) đặt ra ít nhất 3 cái khó, trong đó có việc không được mở đường vào khu du lịch, không được ảnh hưởng đa dạng sinh học, nhưng nói lý thuyết mà không có định lượng thì vấn đề du lịch sinh thái rừng khó thực hiện”-Ông Phạm S góp ý.

Cần "phản ứng chính sách" phù hợp với biến động

Tại các hội nghị của Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên đều đưa ra các dự báo, đến năm 2050, Châu Mỹ và Châu Âu sẽ chịu tác động mạnh vì biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng có tới 5 vùng sẽ bị tổn thương đáng kể, riêng Tây Nguyên giữ được sự ổn định. Đây là yếu tố sẽ được Chính phủ xem xét để xây dựng một chiến lược phù hợp, giúp Tây Nguyên phát huy tương xứng thế mạnh của mình.

Ngay từ Hội nghị ngày 20/11/2022 về triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Tây Nguyên, tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, việc kịp thời nhìn rõ vướng mắc, phối hợp tháo gỡ nhanh, đồng lòng triển khai thực hiện… là quan trọng nhất để Tây Nguyên phát triển.

“Tác động của thế giới bên ngoài bây giờ diễn ra hàng ngày hàng giờ, thì phản ứng chính sách phải kịp thời, phải nhanh, phải hiệu quả và sát với tình hình thực tiễn. Sau đó là phải hết sức kiên định, bản lĩnh trước những khó khăn phức tạp, và phải đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong hệ thống chính trị và đoàn kết trong nhân dân”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Có thể thấy, những đặc sắc, ưu việt của nền nông nghiệp đa tầng kinh tế lấy cây cà phê làm trung tâm, có mức tăng trưởng liên tục và mạnh mẽ, với những kỷ lục về giá trị xuất khẩu, đang đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng gồm hầu hết các dân tộc từ mọi miền Tổ quốc đang định cư ở khu vực. Tầm nhìn mới đang đưa nông nghiệp Tây Nguyên hiện thực hóa những triển vọng mới để trở thành một trong những trung tâm của nông nghiệp toàn cầu, vừa góp phần đảm bảo an ninh nông nghiệp cho cả nước và thế giới, vừa giúp khu vực phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, nhanh, bền vững… phù hợp với các yêu cầu - nhiệm vụ - mục tiêu đặt ra trong nghị quyết 23/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên.

Con tàu số hóa đang đưa nông nghiệp Tây Nguyên tiến nhanh, đạt mốc xuất khẩu hơn 7 tỷ đô la chỉ trong 9 tháng. Các vướng mắc đang tiếp tục được khai thông từ trung ương tới cơ sở, phát huy tốt vai trò của “Nhà nước” trong “liên kết 3 nhà”, vị thế của một trong những trung tâm nông nghiệp toàn cầu của Tây Nguyên đang được xây dựng nhanh và bền vững./.

Dương Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC