Điểm tựa của bản làng
Thứ sáu, 05:25, 21/06/2024 Thu Hoà VOV4 Thu Hoà VOV4
VOV4.VOV.VN: Tiếp nối thành công của Chương trình lần thứ I năm 2018, Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 tôn vinh và phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu ở vùng biên giới, hải đảo; biểu dương kịp thời những đóng góp quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng và những người có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Qua đó, sẽ nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ người có uy tín tiếp tục có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06 về “Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Qua 15 năm triển khai, cả nước hiện có hơn 30 nghìn người có uy tín, được cộng đồng ghi nhận, kính nể, góp phần tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết và phát triển trong mỗi thôn bản, buôn làng, phum sóc.

  • HẠT NHÂN TẬP HỢP SỨC MẠNH CỦA ĐỒNG BÀO

Trong mọi thời kỳ, các già làng trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo luôn giữ vai trò quan trọng trong các bản làng, là hạt nhân đoàn kết tập hợp sức mạnh của đồng bào để phát triển sản xuất kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Qua thực tiễn, nhiều chương trình, tấm gương tiêu biểu của người có uy tín đã xuất hiện, mà điển hình là 200 đại biểu thuộc 47 dân tộc thiểu số, có mặt trong lễ tôn vinh tại Hội trường Bộ Quốc phòng, tối 16/6 vừa qua. Họ là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động tại địa phương, là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của bản, làng, địa phương.

Đại biểu cao tuổi nhất là ông Đinh Văn Ranh, sinh năm 1940 (84 tuổi), dân tộc Hre, trú tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Cao Xuân Long, sinh năm 1996 (28 tuổi), dân tộc Chứt, Trưởng thôn Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; 8 đại biểu là chức sắc tôn giáo; 7 đại biểu là cán bộ Bộ đội Biên phòng. Đặc biệt có 3 điển hình được tuyên dương ở lần 1 tiếp tục nhận sự tin tưởng, tín nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Với việc giúp đỡ được nhiều thanh niên trong bản từ bỏ ma túy và tệ nạn xã hội, năm 2018, ông Hù Chà Thái, ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là một trong 163 đại biểu được tôn vinh trong chương trình “Điểm tựa của bản làng”. Gần 6 năm đã trôi qua, niềm tự hào vẫn như ngọn lửa âm ỉ trong trái tim người già làng này. Vinh dự đi kèm với trách nhiệm, dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn sát cánh cùng lãnh đạo địa phương, cùng BĐBP, đồng hành cùng bà con, hướng tới một Nậm Sin tươi sáng hơn. Tại chương trình Điểm tựa của bản làng năm nay, ông Hù Chà Thái tiếp tục được bà con tin tưởng đề cử: "Tôi còn khỏe thì tôi vẫn tiếp tục phục vụ bà con, tôi sẽ phối hợp với  cấp ủy chính quyền địa phương, với BĐBP tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu biết, từng bước nâng lên cuộc sống của bà con"- Ông Hù Chà Thái chia sẻ.

Còn với Hoàng Minh Tuyển, là bí thư chi bộ, trưởng thôn Khu Chợ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, anh đã giúp đỡ nhiều bà con trong thôn phát triển mô hình trồng cam, quế, hồi. Giờ đây, hầu hết các hộ dân của thôn Khu Chợ, nơi anh sinh sống đã thoát nghèo, có mức thu nhập từ trung bình trở lên. Năm 2020, khi mới chỉ 31 tuổi, anh được người dân tin tưởng bầu làm bí thư chi bộ, trưởng thôn Khu Chợ, và năm nay, với những đóng góp của mình, anh vinh dự được là một trong những gương mặt được tuyên dương: "Đầu tiên là trong quá trình vận động bà con, cũng rất là khó khăn, bởi khi còn trẻ, tiếng nói của mình chưa đủ thuyết phục bà con, nhưng tôi về tôi cũng trăn trở suy nghĩ, thì bây giờ mình còn trẻ mình phải hành động trước. sau quá trình đó 2 năm, tôi làm trực tiếp tại địa bàn cũng như đến trực tiếp các hộ cận nghèo và hộ nghèo thì các hộ ấy cũng tham gia nhiệt tình"- Hoàng Minh Tuyển bày tỏ.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, chương trình Điểm tựa của bản làng đã tôn vinh 163 đại biểu đại diện cho 44 tỉnh thành và 45 dân tộc trong cả nước. Họ là những người con ưu tú của cộng đồng các DTTS, được đồng bào DTTS  tín nhiệm, mến mộ, kính trọng và là những người đi đầu cùng các lực lượng BĐBP có đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Uỷ viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Chương trình lần thứ nhất đã tạo hiệu ứng tốt, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, có tính lan tỏa rộng, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng đối với đội ngũ người có uy tín và đồng bào DTTS".

Tiếp nối thành công của lần 1, Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ 2 năm 2024 tiếp tục tôn vinh 200 đại biểu, người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo của 43 tỉnh thành. Bên cạnh sự tin yêu của người dân trong thôn bản, địa phương, thì đợt vinh danh này cũng là phần thưởng, động lực to lớn để họ tiếp tục vững bước, cống hiến cho bản làng, cho quê hương.

  • “ĐÓNG GÓP THẦM LẶNG NHƯNG HẾT SỨC TO LỚN”

Dù đây mới là lần thứ hai tổ chức, nhưng chương trình “Điểm tựa của bản làng” đã là diễn đàn để những người có uy tín trong cộng đồng trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây cũng là cách để nhân rộng và lan tỏa những hành động tốt, tấm gương tử tế, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, động viên, khích lệ họ tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của cộng đồng dân tộc, đóng góp công sức củng cố xây dựng “thế trận lòng dân”. 

Phát biểu tại Chương trình, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng việc kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách sát hợp, hiệu quả. Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ, cần “chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Bởi đó là những cá nhân ưu tú tiêu biểu về nhân cách, có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục, tập quán địa phương được cộng đồng kính trọng, suy tôn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Lương Cường bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc với những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực trên các tuyến biên giới, đất liền và biển đảo của đất nước.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tài sản vô giá mà cha ông ta đã tạo dựng qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao hy sinh, gian khó để giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ con cháu hôm nay mà mai sau. Bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà lực lượng nòng cốt, chuyên trách là Bộ đội Biên phòng.

Để mỗi người dân nơi biên giới là một cột mốc sống, trong đó có vai trò quan trọng hàng đầu của người có uy tín, ông Lương Cường đề nghị: "các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò hết sức quan trọng của người có uy tín gắn trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Công tác vận động và phát huy vai trò của người có uy tín cần trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Sớm phát hiện, bồi dưỡng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho những nhân tố có triển vọng để trở thành lớp người có uy tín kế cận, kế tiếp, dồi dào và vững mạnh. Các chính sách đến với người có uy tín cần kịp thời, đầy đủ, thiết thực. Ngoài quy định chung của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiên cứu thêm các chính sách đối với người có uy tín phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình riêng của đơn vị, địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ những điều kiện cần thiết để người uy tín hoạt động".

Đối với những cá nhân được tôn vinh tại chương trình, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường mong muốn và đề nghị các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong lời nói, việc làm để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương, học tập và làm theo.

Một số hình ảnh trong chương trình "Điểm tựa của bản làng" lần thứ 2:

 

 

Thu Hoà VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC