Sở Y tế Gia Lai yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tại 17 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch ứng phó với mọi tình huống dịch bạch hầu. Trong đó chú trọng việc giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện khi có ca bệnh; chuẩn bị phương án lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ và đối tượng có nguy cơ, nhằm khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch. Hiện tại, CDC Gia Lai đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư y tế, hóa chất, thuốc điều trị dự phòng; các cơ sở y tế chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, nhằm hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Công tác phòng dịch bạch hầu ở Gia Lai được tiến hành thuận lợi vì có sẵn kinh nghiệm từ đợt dịch bạch hầu năm 2020; bà con các dân tộc trong tỉnh có ý thức phòng dịch tốt.
Chị Thanh đưa con đi tiêm phòng tại trạm y tế xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, chia sẻ: "Bệnh bạch hầu là một bệnh lây truyền từ người này sang người khác và rất nguy hiểm. Con tôi đã được tiêm vắc-xin 5 trong 1, bao gồm cả mũi phòng bệnh bạch hầu, và bác sĩ cũng dặn nếu có triệu chứng sốt, ho thì phải đưa con đến trạm y tế để khám ngay."
Theo Bác sĩ Tô Thị Thuận, Trạm trưởng Trạm y tế xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, đơn vị xác định trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số là đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh. Ngành y tế đã đảm bảo nguồn vắc-xin 5 trong 1 và trạm đã tổ chức cả tiêm tại chỗ và tiêm lưu động, nhằm đạt hiệu quả phòng chống cao.
"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 3 buổi cơ động và hàng tháng tiêm vào ngày 4 và ngày 5, bất kể rơi vào thứ Bảy hay Chủ nhật. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, chúng tôi tiêm vắc-xin 5 trong 1 vào các thời điểm khi trẻ đủ 2 tháng, 3 tháng, và 4 tháng tuổi, mỗi mũi cách nhau một tháng. Trẻ từ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại mũi BVT, bao gồm cả phòng bệnh bạch hầu." - Bác sĩ Tô Thị Thuận nói.
Tại Gia Lai, dịch bạch hầu đã từng bùng phát năm vào 2020, với 52 ca mắc tại 23 xã thuộc 4 huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang và TP. Pleiku. Trong đó có 2 ca tử vong./.
Viết bình luận