Hiệu quả mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”
Thứ ba, 14:54, 24/10/2023 Hoàng Thái Hoàng Thái
VOV4.VOV.VN - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên có gần 108 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó gần 80% số hội viên là người dân tộc thiểu số. Để giúp hội viên từng bước thay đổi quan niệm "phụ nữ là phái yếu trong gia đình", Hội phụ nữ các cấp ở Điện Biên ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình Đại gia đình các DTVN ngày 17-10-2023)

 

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên có gần 108 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó  gần 80% số hội viên là người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở các địa bàn vùng cao, biên giới. Cuộc sống của đa số hội viên còn nhiều khó khăn, bởi phải gánh nặng hủ tục, tập quán lạc hậu và tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Để giúp hội viên nâng cao nhận thức, giúp phụ nữ tự tin vươn lên và từng bước thay đổi quan niệm "phụ nữ là phái yếu trong gia đình", Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên quan tâm hướng dẫn Hội phụ nữ các cấp ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mô hình Tổ truyền thông cộng đồng ra đời được đông đảo người dân đón nhận, và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”

Bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) hôm nay nhộn nhịp từ sáng sớm. Nhà văn hóa bản rực rỡ sắc màu trang phục Hà Nhì. Mấy chục chị em, và cả đàn ông của bản nữa, tất bật chuẩn bị cho buổi ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng. Chị Pờ Mỳ Nụ - Chủ tịch Hội LHPN xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Tổ truyền thông cộng đồng của bản Tả Kố Khừ được thành lập gồm những cá nhân gần gũi nhất với hội viên, với người dân.

Bất bình đẳng giới ở các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên những năm gần đây không còn diễn ra gay gắt, nhưng vẫn còn vấn đề đáng bàn. Đơn cử như ở bản Tả Kố Khừ, một số người dân vẫn thản nhiên bảo cháu gái, con gái của mình rằng: chỉ cần học hết cấp 2, thậm chí là hết cấp 1 thôi, ở nhà mà đi lấy chồng. Do vậy, nhiệm vụ của Tổ truyền thông cộng đồng là phải bảo vệ được quyền được đi học, được tham gia thực chất vào công tác xã hội, được nói lên suy nghĩ của phụ nữ và trẻ em gái.

Kinh nghiệm nâng cao năng lực vận hành “Tổ truyền thông cộng đồng”

Gần 300 Tổ truyền thông cộng đồng của tỉnh Điện Biên đi vào hoạt động với phương châm lấy người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của thôn bản nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn xã, là đối tượng truyền thông và phải đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông.

Mỗi tổ truyền thông cộng đồng gồm có 10 thành viên, do bí thư chi bộ hoặc trưởng bản trực tiếp làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ thu thập, nắm bắt thông tin của người dân, xác định được những định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại, những vấn đề kinh tế xã hội cấp thiết liên quan tới phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng để tuyên truyền, vận động thay đổi và tháo gỡ. Phương châm là: “ Xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, luôn lấy hội viên phụ nữ là trung tâm, để xây dựng các nội dung đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ.

Tham gia lớp tập huấn, các học viên được trang bị các kiến thức về: Nhận diện những vấn đề giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Mô tả các vấn đề giới nổi bật ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Cách nhận biết nguyên nhân dẫn tới vấn đề giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kỹ năng phát hiện những vấn đề giới, bất bình đẳng giới ở địa phương; Kỹ năng tổ chức, điều hành buổi truyền thông: Công tác chuẩn bị cho 1 buổi truyền thông; tổ chức thực hiện buổi truyền thông; một số phương pháp thường sử dụng trong truyền thông cộng đồng.v.v…

Theo bà Hà Thị Thanh Tâm -  Phó chủ tịch Hội Liên hệp phụ nữ tỉnh Điên Biên, thấy rõ những tác động tích cưc của Tổ truyền thông cộng đồng này tới chị em phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội đang tiếp tục thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng để đảm bảo kế hoạch được giao trong năm nay. Đầu năm 2024, trong quý I, sẽ ra mắt hết các Tổ truyền thông theo kế hoạch Trung ương giao. Nếu cân đối được ngân sách thì có thể thành lập vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Để phù hợp với thực tế tình hình, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên đã tập huấn nâng cao năng lực vận hành cho các Tổ truyền thông cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số theo hướng cầm tay chỉ việc. Mục tiêu là để hỗ trợ các Tổ truyền thông làm sao lập được kế hoạch và nâng cao được các kỹ năng truyền thông của các thành viên, đặc biệt là các thành viên trong ban điều hành và các thành viên của tổ truyền thông, vì đây là lực lượng nòng cốt để triển khai công tác truyền thông xuống tận cơ sở./.

Hoàng Thái

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC