Nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia 1719
Thứ năm, 14:39, 30/05/2024 Hoàng Minh/ VOV4 Hoàng Minh/ VOV4
VOV4.VOV.VN - Thảo luận tại tổ chiều 25/5 về Báo cáo về Đề nghị của Chính phủ Điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719), các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến làm rõ hơn về nhiều vấn đề liên quan đến nội dung này. Thông tin chi tiết có trông Chương trình Dân tộc và phát triển VOV1 phát sóng ngày 27/5. Quý vị cũng có thể nghe lại chương trình qua đường link dưới đây.

Click vào ▶ phía trên để nghe chương trình

 

Những thay đổi trong đầu tư Chương trình MTQG 1719

Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, tại phiên thảo luận tại Hội trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Quốc hội xác định rõ nguồn vốn thực hiện chương trình là nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kinh phí sự nghiệp, được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm. Đồng thời, làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của chương trình không nằm trên địa bàn các xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.


"Chương trình được phê duyệt, điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án tiểu dự án đã được Quốc hội quyết định bố trí với tổng kinh phí dự kiến là khoảng 4142 tỷ đồng" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh.


Đối tượng điều chỉnh cụ thể có 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc; 101 cơ sở giáo dục gồm các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và cấp tỉnh; 3 cơ sở y tế tuyến huyện đang phục vụ trực tiếp cho 42 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, dự kiến có 72 di tích lịch sử quốc gia để tu bổ, tôn tạo, nhằm mục đích là bảo tồn và gìn giữ các giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số thuộc 31 tỉnh; có chức năng thực hiện các công tác dân tộc, phục vụ trực tiếp đồng bào dân tộc thiểu số.

"Các cơ sở nêu trên không nằm trong địa bàn các xã bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có vai trò rất quan trọng trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu mục tiêu của chương trình. Qua rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở nêu trên cần có sự đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Các đơn vị nêu trên chưa được đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dẫn đến gặp khó khăn trong xác định các danh mục đầu tư lập, thẩm định kế hoạch vốn, bố trí vốn và thanh quyết toán trong quá trình thực hiện chương trình" - Bộ trưởng Hầu A Lềnh.

Về việc xác định rõ nguồn vốn thực hiện chương trình, từ kết quả thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết: Hằng năm Chính phủ trình Quốc hội và Quốc hội đã phân bổ ngân sách rõ từng nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp của Chương trình.

Phần vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ giao cho địa phương. Vốn sự nghiệp được Chính phủ thông báo dự kiến và phân bổ từ nguồn ngân sách Trung ương theo từng năm để các địa phương có căn cứ, chủ động trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo của các địa phương không phản ánh vướng mắc liên quan đến nội dung này.

Thảo luận về vấn đề bày, nhiều ý kiến đại biểu QH nhất trí với đề xuất của Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết, bảo đảm tính rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tiễn.

"HĐDT thống nhất với nhiều ý kiến tham gia thẩm tra, thực tế qua giám sát, không có vướng mắc trong quá trình thực hiện và các Nghị quyết của Quốc hội đã giao, ghi rõ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý. Nội dung đề nghị này sẽ được điều chỉnh cụ thể cho giai đoạn sau, 2026-2030 trên cơ sở xem xét báo cáo tổng kết Chương trình giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ vào cuối năm 2025" - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm.

Với đề xuất điều chỉnh phạm vi đầu tư, Hội đồng Dân tộc cho rằng, các nội dung đầu tư phần lớn xuất phát từ việc xác định địa bàn vùng DTTS&MN. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Chương trình trong bối cảnh thời gian thực hiện còn rất ít, nên việc điều chỉnh là cần thiết để bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc triển khai thực hiện.

Mặt khác, việc đầu tư cho các nội dung trên đều tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình về phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và đối tượng thụ hưởng trực tiếp là đồng bào sinh sống ở vùng DTTS&MN. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cũng nhấn mạnh: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để quyết định các danh mục đầu tư trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; các công trình, dự án văn hóa gắn với phát triển du lịch, bao gồm cả trong và ngoài địa bàn vùng DTTS&MN theo quy định hiện hành, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc điều chỉnh này không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội phân bổ.

Do nội dung điều chỉnh này không lớn, nên Hội đồng Dân tộc đã nhất trí và đề nghị Quốc hội không ban hành Nghị quết riêng mà chỉ bổ sung việc Điều chính chủ trương đầu tư Chương trình vào Nghị quyết chung của Kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Đồng thuận với thay đổi trong chủ trương đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu tỉnh Vĩnh Long: Chương trình Dân tộc và miền núi là một chương trình rất có ý nghĩa và được cử tri đánh giá rất cao và đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng đã nhìn ra được những khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu này và cũng đã ban hành Nghị quyết 111 về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, những khó khăn dần dần đã được các địa phương thực hiện.

Các nội dung trong Tờ trình thay đổi chủ trương đầu tư của chính phủ cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

"Tôi thống nhất rất cao với đề xuất của Chính phủ cũng như báo cáo của Hội đồng Dân tộc về việc điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư chương trình. Điều này cũng đảm bảo được tính rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Còn về đối tượng thì tôi cũng rất thống nhất  là phù hợp và đảm bảo sát với thực tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số"-bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, ĐB đoàn Vĩnh Long.

Cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với các nội dung đề xuất của Chính phủ, bởi đây là nhiệm vụ rất cấp bách khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết giai đoạn 1 thực hiện Chương trình. Song, Đại biểu Nguyễn Văn Quảng của Đoàn Đại biểu thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần ban hành nghị quyết riêng cho vấn đề này, thay vì đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Theo đại biểu, có nghị quyết riêng thì việc theo dõi đánh giá mới thuận lợi. Nếu đưa vào Nghị quyết Trung ương có thể chỉ viết được một đoạn văn bản rất ngắn. Đại biểu cho rằng, nếu vậy, trong quá trình theo dõi tổ chức thực hiện sẽ rất hạn chế. Từ đó, đại biểu đề xuất Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần xác định rõ những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này.

Về phạm vi và đối tượng đầu tư, Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn Đại biểu tỉnh Cao Bằng cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ, do những đối tượng này không được quy định trong Nghị quyết 120 của Quốc hội, mà phát sinh từ thực tiễn triển khai. Tuy nhiên, Đại biểu Đoàn Thị Lê An vẫn băn khoăn về danh mục đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, có thể chồng chéo với Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa cũng được xem xét trong kì họp lần này.

Nội dung đề xuất thay đổi chủ trương đầu tư của chương trình Mục tiêu quốc gia DTTS&MN sẽ tiếp tục được QH thảo luận trong thời gian tới./.

Hoàng Minh/ VOV4

Viết bình luận

Tin liên quan

Trẻ em vùng cao với những vấn đề trên diễn đàn Quốc hội
Trẻ em vùng cao với những vấn đề trên diễn đàn Quốc hội

VOV4.VOV.VN - Một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm của dư luận mới đây là hơn 260 trẻ em tiêu biểu toàn quốc đã quy tụ về thủ đô tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Đây là lần đầu tiên trẻ em có mặt tại hội trường Diên Hồng để góp tiếng nói về các vấn đề nóng, thiết thực với lứa tuổi của mình. Hai chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em". Trên diễn đàn này, trẻ em vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS cùng góp tiếng nói nhằm giải quyết những vấn đề mà các em phải đối diện hàng ngày.

Trẻ em vùng cao với những vấn đề trên diễn đàn Quốc hội

Trẻ em vùng cao với những vấn đề trên diễn đàn Quốc hội

VOV4.VOV.VN - Một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm của dư luận mới đây là hơn 260 trẻ em tiêu biểu toàn quốc đã quy tụ về thủ đô tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Đây là lần đầu tiên trẻ em có mặt tại hội trường Diên Hồng để góp tiếng nói về các vấn đề nóng, thiết thực với lứa tuổi của mình. Hai chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em". Trên diễn đàn này, trẻ em vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS cùng góp tiếng nói nhằm giải quyết những vấn đề mà các em phải đối diện hàng ngày.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC