Những nhà báo đi lên vùng biên giới
Thứ ba, 06:04, 25/06/2024 Thu Hoà Thu Hoà
VOV4.VOV.VN: Tác nghiệp ở khu vực biên giới tuy khó khăn, vất vả, nhưng người phóng viên sẽ có được rất nhiều thông tin, tư liệu quý giá, giàu hơi thở cuộc sống, từ đó, tạo nên những tác phẩm hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị cho công chúng. Đằng sau mỗi chuyến đi còn là những xúc cảm, dư vị khó quên về những vùng đất còn nhiều gian khó.

           NHỮNG NHÀ BÁO ĐI LÊN VÙNG BIÊN GIỚI

            Do điều kiện tác nghiệp xa xôi cách trở nên để chuẩn bị cho mỗi chuyến công tác nơi biên giới, mỗi phóng viên thường phải tìm hiểu trước phong tục tập quán, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào. Có nhà báo còn chuẩn bị quà bánh cho các em nhỏ, một số đồ dùng, nhu yếu phẩm cho người dân vùng biên để quá trình tác nghiệp được thuận lợi. Không ít anh chị em phóng viên còn tự trang bị vốn ngôn ngữ bản địa để khi gặp bà con, có thể trò chuyện phỏng vấn hiệu quả hơn. Biên giới là địa bàn đi lại khó khăn, phức tạp về tội phạm nên mỗi phóng viên tác nghiệp tại các địa bàn này thường phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Những đêm cùng lực lượng chức năng thức trắng băng rừng truy bắt các đối tượng tội phạm, dường như cũng trở nên quen thuộc với phóng viên viết về mảng đề tài biên giới.

          Tuy vất vả và nhiều khi phải đối mặt hiểm nguy, nhưng với nhà báo Thu Hoà, Ban Dân tộc VOV4 Đài Tiếng nói Việt Nam, vùng biên giới còn là nơi chứa đựng biết bao tình cảm tốt đẹp của đồng bào, sự chân tình và những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những tình cảm tốt đẹp đó là động lực để nhà báo Thu Hoà vững bước hơn trên con đường mà chị đang theo đuổi. Nhà báo Thu Hoà tâm niệm: "Nếu bạn thấy cái sự khó khăn gian khổ là một trở ngại trên chặng đường tác nghiệp thì chắc chắn là bạn cũng chỉ đi được một đến hai chuyến. Sau đó, bạn sẽ chùn bước. Nhưng chúng tôi thấu hiểu, chia sẻ với những người lính biên phòng, với đồng bào các dân tộc thì chúng tôi cảm thấy là mỗi chuyến đi lại mở mang thêm cho mình những điều bổ ích và không phải là mình mang đến sự chia sẻ với họ mà chính họ lại mang đến niềm tin cho mình, để mà mình có thể vững bước hơn trong chặng đường làm báo".

            Với đặc thù công việc, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, để tạo ra những tác phẩm báo chí có hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, qua đó nhân lên niềm tự hào về nghề cầm bút. Và các tác phẩm tâm huyết của các nhà báo đã được chính các tác giả tập hợp thành sách, ghi lại dấu ấn trong quãng thời gian hoạt động báo chí, ở địa bàn đặc thù, đó là vùng biên giới.

           Cuốn sách với tựa đề “Điểm tựa xanh biên cương” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn, Phó trưởng Phòng phóng viên, báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam với 35 tác phẩm viết về hoạt động của những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã mang đến thật nhiều những cảm xúc đẹp cho người đọc.

           Đây là những tác phẩm báo chí đã in trên báo Tin tức trong 3 năm 2020 – 2022, là những câu chuyện, những vấn đề được nhà báo ghi nhận tại khắp các vùng miền biên cương của Tổ quốc. Cuốn sách 272 trang gồm 40 bài viết, được kết cấu thành 4 phần cụ thể là “Cuộc chiến với COVID-19”, “Bộ đội Biên phòng với nhân dân biên giới”; “Trên trận chiến chống tội phạm”; “Sự cần thiết của Luật Biên phòng Việt Nam”.

           Cảm nhận về cuốn sách “Điểm tựa xanh biên cương”, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng cho rằng: "Đây là một cuốn sách nhiều tư liệu thời sự, chính luận quý phản ánh thực tiễn những cống hiến của lực lượng Bộ đội Biên phòng, những người chiến sĩ gánh trên vai sứ mệnh quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia suốt hơn 60 năm qua. Qua mỗi trang sách, dễ dàng hình dung và cảm nhận về biết bao đồng chí, đồng đội ngày đêm đạp qua đá sắc, lội qua suối sâu, vượt nắng lửa, tuyết dày, vững vàng, kiên gan nơi địa đầu phên dậu để cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc bảo vệ, dựng xây biên giới hòa bình, ổn định và phát triển”

           35 tác phẩm trong “Điểm tựa xanh biên cương”, thuộc các thể loại báo chí khác nhau, đều là những vấn đề trong dòng thời sự chủ lưu, những hoạt động nổi bật, quan trọng của lực lượng bộ đội biên phòng không quản ngày đêm, mưa gió, rét buốt, nắng cháy da thịt…để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, chi tiết trong mỗi bài đều rất “đắt”, gần gũi, chân thực và sát đúng với đời sống của quân dân biên giới hôm nay. Điều khá thú vị, đặc sắc, hấp dẫn trong cuốn sách là những phóng sự, ghi chép dày công, tâm huyết, thấm đẫm hơi thở cuộc sống, của dòng chảy lịch sử, lớp lang trầm tích, đa chiều những sự kiện, hoạt động của “lính quân hàm xanh”. Đó là “Ký ức tháng Hai nơi biên giới” phía Bắc năm 1979, “Hồi ức tháng Hai nơi biên cương phía Bắc” (3 kỳ); là “Sự hồi sinh nơi từng là vùng đất chết” trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc tháng 1-1979 (4 kỳ); hay phản ánh sống động sắc “Xuân về trên ngã ba biên giới”, “‘Ba cùng’ với đồng bào biên giới Tây Nguyên”, “Lá chắn thép’ phòng chống xuất, nhập cảnh vùng biên giới”; hay việc “Lật tẩy thủ đoạn tội phạm xuyên biên giới” (3 kỳ)… Điều đó đã cho thấy sự hiểu biết sâu sắc, sự gắn bó nghĩa tình của nhà báo Nguyễn Viết Tôn đối với biên cương và người lính quân hàm xanh.

           Dù sắp chạm ngưỡng tuổi 50, nhưng nhà báo Nguyễn Viết Tôn hiện vẫn dẻo dai đeo bám sự kiện, địa bàn, sâu sát cơ sở nơi biên giới xa xôi, cách trở, để cho ra đời những tác phẩm phản ánh đầy đủ, chân thật, sinh động, sâu sắc… các hoạt động của lực lượng bộ đội biên phòng trên các mặt trận công tác khác nhau, thông qua những sự kiện, câu chuyện, chi tiết gợi nhớ, giàu sức lay động, cuốn hút người đọc. Anh chia sẻ: “Tôi đặt tiêu đề“Điểm tựa xanh biên cương” không chỉ là điểm tựa của đồng bào các dân tộc, mà người lính quân hàm xanh cũng là một “điểm tựa” ở hậu phương, để nhà báo chúng tôi tiếp tục có thêm những “điểm tựa” vững chãi trong nghề, tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí sát đúng với thực tế cuộc sống nơi vùng biên hơn nữa".

          Còn với Đại tá, nhà báo Nguyễn Đăng Bảy, do đặc thù công việc gắn bó gần 30 năm với báo Biên phòng, nên ông may mắn được đi đến nhiều đồn biên phòng ở các vùng miền khác nhau. Qua những chuyến đi đó, ông có cơ hội tìm hiểu lịch sử, sự ra đời và chiến công quản lý, bảo vệ biên giới của từng đơn vị. Và ông đã dành nhiều thời gian trực tiếp đến và viết về tất cả các đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ ở các đồn Biên phòng trên cả nước. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, cuốn sách Những tượng đài bất tử trên biên giới đã hoàn thành, phần lớn trong số 65 bài đã được đăng trên báo An ninh biên giới và trở thành thư viện điện tử trên không gian mạng, được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao, nhất là về giá trị lịch sử và tính chân thật, nhân văn sâu sắc.

           Hiện nay trên toàn quốc, có 136 đồn Biên phòng có cán bộ, chiến sỹ hy sinh qua các thời kỳ. Trong đó có 50 đồn, đơn vị Biên phòng đã xây bia, nhà bia, đài tưởng niệm. Mỗi tấm bia, mỗi đài tưởng niệm là một chuỗi chiến công vẻ vang, anh dũng, dấu khắc vĩnh cửu ghi nhớ sự hy sinh của BĐBP trong công cuộc giữ đất, giữ nước và bảo vệ biên cương, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Có không ít chiến sỹ ngã xuống, hóa thân vào đất mẹ khi tuổi đời mới 16-17. Có những người đã dày dạn trận mạc, từng vào sinh ra tử, chiến trường Mỹ-nguỵ rồi đánh đuổi PonPot ở chiến trường Tây Nam và hy sinh khi anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.      

            Với tư cách nhà báo- chiến sĩ, Đại tá Nguyễn Đăng Bảy mong muốn và quyết tâm được đi, được đến, được viết về sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, về những trận đánh ở các đồn, đơn vị Biên phòng trên cả nước. Qua những bài viết đó, nhằm góp phần khơi dậy cho lớp cán bộ trẻ, chiến sỹ lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần vượt khó, vươn lên để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ biên cương, bờ cõi của Tổ quốc. Đồng thời ông cũng mong muốn cuốn sách như chứng tính xác thực của lịch sử, góp phần trong hệ thống tư liệu giáo dục truyền thống cho lớp cán bộ, chiến sỹ trẻ sau này.

           Có dịp được cùng nhà báo Nguyễn Đăng Bảy tham gia 1 số hành trình lên biên giới để hoàn thành cuốn sách, tôi thấy được tình cảm của đồng bào các dân tộc cũng như cán bộ chiến sĩ biên phòng khi tạo điều kiện thuận lợi cho ông tác nghiệp, lấy tư liệu. Và có thể nói, cuốn sách là món quà rất ý nghĩa khi dành tặng cho chính quyền, các ban ngành huyện, xã trong địa bàn, trường học, các đơn vị kết nghĩa để tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy cho lớp cán bộ trẻ, chiến sỹ về đức hy sinh, tinh thần vượt khó, vươn lên để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ biên cương, bờ cõi của Tổ quốc.

           Thời gian tới, nhà báo Nguyễn Đăng Bảy hy vọng sẽ tiếp tục những mảng đề tài sâu sắc, ý nghĩa về lực lượng BĐBP- nơi anh gắn bó, cũng như về các vùng biên giới xa xôi mà thân thương trên khắp dọc dài đất nước. 

Thu Hoà

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC