Nữ anh hùng Y Buông với nồi cơm nuôi quân ở chiến trường Bắc Tây Nguyên
Thứ bảy, 05:05, 27/07/2024 Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ở chiến trường Bắc Tây Nguyên, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang được nghe kể nhiều về cô gái nuôi quân người Xơ Đăng, Y Buông. Với tình yêu thương đồng đội, giữa bom đạn kẻ thù cô gái Y Buông đã không quản bom đạn, hiểm nguy, lo cho bộ đội những bữa cơm no, đủ sức đánh giặc. Nay dù tuổi đã cao, Nữ anh hùng nuôi quân Y Buông vẫn rực cháy ngọn lửa cách mạng, là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Năm nay bước sang tuổi 79, lại thêm vết thương ở chân từ 47 năm trước, việc đi lại của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Y Buông trở nên khó khăn và thường xuyên phải nhờ tới xe lăn. Nhưng mỗi lần nhắc lại những tháng năm kháng chiến ác liệt, gian khổ, bà như quên hẳn vết thương.

Bà vẫn nhớ như in mốc thời gian năm1960, khi mới 15 tuổi đã đảm nhiệm việc nấu ăn cho cán bộ, chiến sỹ ở vùng căn cứ kháng chiến. Đến năm 1965, bà nhận nhiệm vụ nấu ăn cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 304, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, một đơn vị chiến đấu thường xuyên cơ động. Và từ ấy, việc bà phải di chuyển trong tầm pháo kích, vượt qua núi cao, suối sâu, cũng là công việc quen thuộc như nấu cơm, gùi nước. Chỉ có một thứ khiến thiếu nữ Y Buông khi ấy thấy khổ, là không còn gạo để nấu cơm, đành nhìn bộ đội ăn cháo bẹ rau măng:

“Năm 13 tuổi nghe lời bố mình đã đi đưa cơm, dẫn đường cho cán bộ cách mạng xâm nhập vào vùng tạm chiếm hoạt động. Sau này nhận nhiệm vụ nuôi quân cũng vất vả đấy. Khổ nhất là những lúc không có gạo, thương bộ đội lắm nhưng vẫn phải cho bộ đội ăn rau rừng, củ rừng thôi. Rồi lúc địch càn quét bắn phá vừa phải chiến đấu vừa phải giữ nồi cơm”- Bà Y Buông kể.

Từ năm 1960 đến năm 1973, trong điều kiện chiến tranh ác liệt của chiến trường Bắc Tây Nguyên, để bộ đội có cái ăn, có sức đánh giặc, Y Buông đã gắng hết sức mình, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm. Có những thời điểm bộ đội hết gạo, bà vào rừng sâu bẻ măng, đào củ rừng về nấu cho bộ đội ăn thay cơm. Để vết thương của thương binh mau chóng hồi phục, Y Buông xuống suối bắt từng con cua, con tép về nấu cháo. Rồi những lần đưa cơm lên tận trận địa cho bộ đội, giữa bời bời bom đạn, để bảo vệ nồi cơm, Y Buông đã lấy thân mình che chắn mặc cho bản thân bị đất đá, cành cây vùi lấp…

Cùng với sự chăm chỉ vượt qua gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành nhiệm vụ nuôi quân, cô gái Xơ Đăng Y Buông còn dũng cảm trong thế đối đầu với quân giặc. Năm 1967, địch tập kích hậu cứ, Y Buông cùng 5 đồng đội diệt gọn 1 tiểu đội địch, riêng Y Buông sử dụng lựu đạn và súng cạc-bin diệt 4 tên. Về động lực để cô gái Xơ Đăng nhỏ nhắn ngày ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân" vào ngày 20/12/1973, bà Y Buông chia sẻ: “Lúc đó mình nghĩ ít thôi, chỉ thương bộ đội đánh giặc gian khổ, nguy hiểm mà cơm không được ăn no. Mình đưa cơm lên cho anh em trên trận địa chỉ nghĩ nếu được ăn no anh em có sức đánh giặc thì quê hương mới nhanh được giải phóng". 

Năm 1973, từ chiến trường Bắc Tây Nguyên Kon Tum, bà Y Buông được Đảng, Nhà nước đưa ra miền Bắc học thêm văn hoá và bồi dưỡng chính trị tại Trường Dân tộc Trung ương ở tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 1975 đến lúc nghỉ hưu năm 1980 bà công tác tại trường Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Trong giai đoạn này vào năm 1977 bà bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Cùng với danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân", bà Y Buông còn là đại biểu Quốc hội. Năm 1976 tại Thủ đô Hà Nội, bà vinh dự được trình bày mong muốn, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai - Kon Tum với Quốc hội.

Hiện tại sống trong căn nhà nhỏ ngay sau Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, ở thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cùng người con gái làm ở Trung tâm Y tế huyện, Nữ anh hùng Y Buông luôn nhận được sự quan tâm từ đồng chí, đồng đội và các cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Tờ Quốc Việt, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô, cho biết: “Trong những năm qua các cấp chính quyền dành sự quan tâm sâu sắc đối với đồng chí Y Buông và gia đình của đồng chí Y Buông. Chính quyền cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho Anh hùng lực lượng vũ trang Y Buông. Vào dịp lễ, tết hàng năm các đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh, của huyện, các hội đoàn thể đều thăm hỏi, động viên đồng chí và gia đình”.

79 năm tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, dù sức khoẻ mỗi năm mỗi giảm sút, Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Y Buông vẫn rực cháy ngọn lửa cách mạng. Anh Đinh Công Bình, Bí thư Huyện đoàn Đăk Tô, cho biết mỗi khi tuổi trẻ địa phương tổ chức hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng… chỉ cần ngỏ lời là bà Y Buông nhận lời tham gia nhiệt tình. Bà là nguồn cảm hứng, là động lực để thế hệ trẻ địa phương học tập, noi theo:

Anh Đinh Công Bình nói: “Cứ đến tháng 7 hàng năm hoặc là những ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước thì tuổi trẻ Đăk Tô tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có nội dung nói chuyện truyền thống về Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Y Buông. Nghe Nữ anh hùng kể lại lịch sử, chiến tích của mình từ đó lan toả trong đoàn viên, thanh niên, là động lực lớn để tuổi trẻ học hỏi về tinh thần, ý chí cách mạng, từ đó cố gắng rèn luyện đạo đức, lối sống, ham học tập để đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước”.

Tháng 7, tháng tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, ở huyện Đăk Tô nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung diễn ra nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngôi nhà nhỏ của Nữ anh hùng Y Buông ngay sau Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh, thuộc Khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô những ngày này thường xuyên là điểm đến của cán bộ, nhân dân trong vùng. Câu chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt, về Nữ anh hùng Y Buông với nồi cơm nuôi quân ở chiến trường Bắc Tây Nguyên lại rộn rã và như cứ nối dài mãi với thời gian./.

Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC