Mùa về trên những sắc hoa
Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Những bước chân đầu tiên vào làng du khách như lạc vào không gian xanh mướt mắt của cây cối, của không khí trong lành.
Mùa này, cánh đồng hoa bách nhật bên không gian nhà người Khơ Mú nở rộ. Những bông hoa tím tròn tròn, xinh xinh trải dài mênh mông nổi bật dưới bầu trời xanh thẳm, càng khiến cho không gian làng thêm thơ mộng.
Điệu nhạc tam đao - một nhạc cụ bằng tre nứa của người Khơ Mú từng nhịp đều đều làm rộn cả không gian tĩnh lặng ngày hè.
Ông Quàng Văn Cá, người Khơ Mú, bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên hồ hởi giới thiệu với du khách nhạc cụ độc đáo của quê mình: “Tam đao là nhạc cụ truyền thống của người Khơ Mú. Con gái 13 tuổi đã biết đánh tam đao. Đi nương, đi rẫy nó làm mình vui. Người cách mình 5 – 10m cũng có thể nghe thấy.”
Dọc con đường lớn đi vào Khu các làng dân tộc I, làng Mường hiện ra với nếp nhà sàn lợp cỏ gianh.
Khoảng không gian vườn chè xanh ngắt trước hiên nhà là điểm chekin lý tưởng cho du khách . Nếu muốn nhớ lại vị quê, bạn cũng có thể tự mình hái những lá chè tươi đem ủ nước sôi. Chỉ cần ít phút là bạn đã có bát nước chè ngon thơm vị.
Cuối thu, đầu đông đến với làng văn hóa, trên cung đường vào không gian làng các dân tộc Tây Nguyên như Jrai, Ba Na, Ê Đê rực một màu vàng của hoa dã quỳ.
Ngồi nhâm nhi tách café nóng hổi, ngắm những đóa dã quỳ rực rỡ phủ vàng muôn lối, mọi muộn phiền phố thị dường như gác lại sau lưng. Chỉ còn lại tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng những nhịp xoang...
Nếu bạn từng ước ao một lần ngắm nhìn những thảm tam giác mạch của cao nguyên đá, nhưng chưa có dịp đến nơi địa đầu Tổ quốc, hãy ghé thăm làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam dịp tháng 10 – 11 – 12. Sắc hoa của đá tràn ngập trên những bãi đất đầu làng. Cánh hoa hồng phớt, tím nhạt khoe sắc trong nắng đông giúp bạn lưu trọn những khoảnh khắc đẹp cùng bạn bè và người thân.
Khám phá tri thức bản địa
“Bánh tam giác mạch là món ăn cứu đói của người Mông ngày xưa. Khi lương thực cạn, họ đi hết các hốc núi tìm cái ăn. Nhìn thấy một vườn hoa li ti nhỏ với những hạt màu đen. Họ bóc ra ăn thử, thấy hạt đó dạng tinh bột có thể ăn được nên mang về phơi khô, nghiền thành bột đồ chín ăn. Hạt, lá của nó có hình tam giác nên người Mông đặt tên tam giác mạch. Chúng em muốn mang đến những chiếc bánh tam giác mạch này để cho các vị du khách biết đến nguồn gốc của chiếc bánh tam giác mạch. Đó là vị cứu tinh để vượt qua cơn đói. Và bây giờ nó là một đặc sản để du khách có thể thưởng thức và nhớ về về cội nguồn ngày xưa”. - Giàng Thị Dính đến từ Phố Là, Đồng Văn, Hà Giang kể cho du khách nghe những câu chuyện về ẩm thực của người Mông liên quan đến loài hoa tam giác mạch.
Bạn nghĩ sao nếu trong không gian ngập tràn sắc hoa ấy, bạn được thưởng thức món bánh tam giác mạch, được nghe câu chuyện về loài hoa?! Hãy đến với không gian làng Mông, gặp gỡ những người dân thân thiện, mến khách đến từ cao nguyên đá.
Người Mông nơi này còn có một đặc sản nức tiếng là rượu ngô men lá. Phong tục nấu rượu ngô ủ từ men lá rừng của người Mông ở Hà Giang đã có từ bao đời nay. Những bí quyết gia truyền ấy cũng đã được họ mang từ quê hương mình đến làng văn hóa để du khách cùng trải nghiệm. Những quả men tròn tròn, trăng trắng mà chị Giàng Thị Giá phơi trước hiên nhà khiến các du khách thích thú.
Đặc biệt, bếp lò nấu rượu ở đây do chính bà con người Mông đang hoạt động tại làng đắp nên. Bếp nấu này được làm từ đất sét, đắp ụ cao gần 60 phân, phía dưới xếp gạch cho bếp thêm chắc chắn. Có bếp, có lửa, nó khiến cho ngôi nhà thật ấm cúng.
Xem người Mông nấu rượu, làm men chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên khi bạn đến với Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Viết bình luận