Thơ mộng hồ Lắk
Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất khu vực miền Trung Tây Nguyên, và lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn.
Về mùa mưa diện tích mặt nước rộng trên 600ha. Do được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt hồ luôn phẳng lặng, phản chiếu non xanh, mây trời, rừng biếc.
Nằm ở vị trí trung tâm của huyện Lắk, bạn dễ dàng lựa chọn phương tiện cho mình để trải nghiệm cảnh quan nơi đây. Ô tô, xe máy, xe đạp, thậm chí rảo bước tản bộ trên cung đường từ trung tâm huyện vài trăm mét, vẻ đẹp của hồ Lắk hiện ra sẽ khiến bạn ngỡ ngàng.
Mùa này, hồ Lắk lộng gió. Sáng sớm se lạnh, những đám mây trắng lửng lơ ôm lấy ngọn núi Chư Yăng Sin xanh ngắt. Những nông dân M’nông lướt nhẹ chiếc thuyền độc mộc trên sóng nước, bắt đầu một ngày làm việc mới. Hình ảnh đó như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ quanh hồ.
Ngồi nơi quán nước ven đường, nhâm nhi tách café ấm nóng, hít hà chút gió, mọi muộn phiền dường như gạt bỏ sau lưng.
Và rồi khi bình minh lên, cả mặt hồ lấp lánh những con sóng vàng, con sóng bạc.Những âm thanh, những vẻ đẹp mộc mạc ấy, đánh thức mọi giác quan, khiến bước chân lữ khách không muốn rời đi.
Nhiều lần lang thang ven hồ, nhưng lần nào cũng mang lại cảm xúc khó tả cho anh Đào Mạnh Hùng, huấn luyện viên trưởng Trung tâm thể thao MeTa Club, cũng là một hướng dẫn viên du lịch tại thị trấn Liên Sơn.
“Đi thuyền độc mộc, ra giữa hồ. Lúc đấy mặt trời mọc, ánh nắng, mặt trời đỏ rực đẹp mê. Các bạn cảm nhận được gió, cảm nhận được không khí trong lành và cảm nhận được sự bình yên khi nghe những chú chim kêu vào lúc sáng sớm. Cảm nhận được âm thanh của rừng của núi, tận mắt thấy những người dân đi làm cùng nhau, họ cùng bắt cá, trồng lúa… rất là vui và hạnh phúc”. – Hùng chia sẻ.
Men theo con đường ven hồ sẽ đến những buôn làng của người M’nông, Ê Đê. Rải rác là những bóng cây Kơ nia cao lớn, những cánh đồng phì nhiêu trải ra mênh mông. Nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho bà con nơi đây phát triển nghề trồng lúa nước bên cạnh nghề trồng café, ca cao.
Cách hồ Lắk không xa, đó là buôn Lê của người M’Nông. Nơi đây có một địa điểm "sống ảo cực đỉnh" ở phía sau buôn, đó là cây đa cô đơn.
Người dân gọi là cây cô đơn vì hàng trăm năm qua, nó một mình sừng sững giữa cánh đồng rộng lớn, chứng kiến bao thăng trầm cùng buôn làng. Hoàng hôn chính là thời điểm đẹp nhất giúp bạn có những bức hình nghệ thuật khi check in tại nơi này. Ráng chiều lúc rực hồng, lúc rực đỏ, buông lơi tạo nên một bức tranh đồng quê tuyệt mĩ!
Trải nghiệm văn hóa cộng đồng
Nằm ở phía nam của tỉnh Đắk Lắk, huyện Lắk có đến 90 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào M’nông, Ê Đê. Đời sống người dân với cây trồng là lúa, cây café, tiêu làm chủ đạo.
Từ một công việc của nhà nông, giờ đây người dân ở huyện Lắk đã đưa vào du lịch, cho khách trải nghiệm đi lái máy cày, gặt lúa, thu café…
Ngoài trồng lúa, trồng café, những buôn làng người M’Nông định cư ven hồ Lắk từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề thuần dưỡng voi. Những cá thể voi hiện có tại buôn làng đều được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Đến đây, bạn sẽ được chơi với những chú voi đặc biệt của buôn làng, được nghe những nài voi kể chuyện về nghề một thời là niềm tự hào của người M’Nông.
Hay chỉ đơn giản, đứng ở đầu buôn lúc sáng sớm nhìn những nài voi vào rừng dắt voi ra, cho voi lội nước trên hồ, tắm voi và cho voi ăn. Chiều muộn, thì đưa chúng đi ngủ. Bạn sẽ thấy vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của mảnh đất này.
Bên hồ Lắk có những buôn cổ như buôn Jun, buôn M’Liêng hay buôn Lê – những buôn làng tiêu biểu của người M’nông, cũng đã được tổ chức thành điểm du lịch độc đáo cũng như bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc bản địa.
Bởi vậy, khi đến với các buôn làng của đồng bào thiểu số nơi đây, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà dài làm từ gỗ, tranh, tre, nứa. Những người phụ nữ thoăn thoắt tay đan tỉ mẩn với nghề dệt cổ truyền.
Hoặc nếu may mắn, bạn sẽ được nghe những nhịp chiêng vui nhộn trong mùa lễ hội như lễ cúng cơm mới, lễ cúng sức khỏe cho voi… Những lễ hội quan trọng vẫn được lưu truyền qua bao thế hệ, giờ đây trở thành những lợi thế, tiềm năng để địa phương phát triển du lịch, song song với công tác bảo tồn.
Sản vật hồ Lắk
Không chỉ thu hút bởi khung cảnh non nước thơ mộng, hồ Lắk còn hấp dẫn bởi ẩm thực của địa phương.
Những sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng hồ Lắk rất đa dạng. Từ cá trắm, cá lăng, cá thát lát, cá bống đến tôm đồng, lươn, cua, ếch… Mỗi sản vật lại chế biến mộc mạc theo cách của đồng bào nên hương vị đậm chất núi rừng. Cơm được lam trong ống tre, gà nướng than hồng, cá nướng mọi… Bình dị, nguyên sơ mà ngon thơm ngay từ miếng đầu tiên thưởng thức.
Cá thác lác, các bống ở hồ Lắk nhiều vô kể. Sở dĩ cá ở đây to và thơm ngon hơn các vùng khác là do nguồn nước và nguồn thức ăn dồi dào, được đổ về từ thượng nguồn sông Krông Ana, bắt nguồn từ ngọn núi Chư Yang Sin hùng vĩ.
Cá thác lác, cá bống có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng điển hình nhất là món chả cá thát lát, cá bống chiên giòn.
Sinh sống trong lòng hồ nước ngọt tự nhiên, thịt cá chắc, tươi ngon cộng với công đoạn chế biến công phu khiến cho chả cá luôn thơm, dai và đượm vị, còn cá bống sau chiên rất giòn mà vị ngọt không tan.
Một món ăn dân dã ở Lắk mà bạn không thể bỏ qua đó là gỏi cà đắng. Cà đắng xưa kia là loại cây mọc nhiều trên rừng, nay được người dân đem về trồng trong vườn nhà làm thực phẩm. Quả cà đắng nhỏ, tròn, vỏ xanh sọc trắng, cuống nhiều gai nhỏ. Chúng có vị đắng đặc trưng. Vậy mà chính vị đắng ấy lại làm nên hương vị của món gỏi.
Cà đắng thái lát, chần qua nước sôi cho bớt đắng, rồi để ráo nước tẩm gia vị, ớt, muối, cá khô. Khi tất cả đã ngấm là có thể đem ra lai rai với bạn bè. Những ai ăn lần đầu có thể chưa quen. Nhưng đã quen rồi thì lại “nghiện”, lại thấy vị đắng, vị cay hòa quyện khó quên.
Viết bình luận