Thực hiện Dự án 8 tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số: Nhiều kết quả tích cực
Thứ ba, 06:13, 15/10/2024 Thu Hòa Thu Hòa
VOV4.VOV.VN - Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhằm mục đích xóa bỏ rào cản về định kiến đối với phụ nữ và trẻ em gái; sau gần 3 năm triển khai thực hiện, các địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực; giúp phụ nữ DTTS nâng cao năng lực, chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình, và giúp cho các chị em khác cùng vươn lên.

Tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín

Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Thông qua các Hội nghị tập huấn, nhằm trang bị và nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện tuyên truyền về bình đẳng giới cho những lực lượng tích cực nhất trong tuyên truyền tại cơ sở. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và thái độ thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.Gia Lai.

Tại Hội nghị tập huấn, các học viên được nghe báo cáo viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trao đổi các nội dung cơ bản về giới; hiện trạng và những vấn đề cần khắc phục, thay đổi nhận thức về giới của vùng đồng bào DTTS...

Thông qua đó, các học viên được thực hành truyền thông về bình đẳng giới; thực hành xây dựng kế hoạch truyền thông về Bình đẳng giới ở vùng DTTS; thu hút sự tham gia của nam giới trong phòng - chống bạo lực trên cơ sở giới; nguyên tắc khi huy động sự tham gia của nam giới và một số mô hình huy động sự tham gia của nam giới...

Cũng thông qua các hoạt động này để nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Trong đó, việc nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị tại các thôn làng là một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình.

Tại huyện Chư Sê, những buổi tập huấn tập trung vào các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, tiêu chí ứng xử văn hóa, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đồng thời chia sẻ các giải pháp để hoạt động tốt mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Qua đó lan tỏa nhiều thông điệp “hãy nói không với bạo lực gia đình”, “bạo lực gia đình- hãy lên tiếng”, “hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực”. Được tham gia các hoạt động này, Chị Võ Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê chia sẻ: "Sau khi tham gia chương trình này thì học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là kỹ năng tuyên truyền mềm bằng các tiểu phẩm. Qua đó tuyên truyền vào đối tượng là chị em phụ nữ, phải biết lên tiếng đối với bạo lực gia đình, bình đẳng giới, thể hiện được vai trò của mình trong chăm sóc gia đình và chăm sóc con cái".

Về hình thức tuyên truyền, các học viên được tập huấn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và các cấp ngành chức năng trong công tác phòng ngừa, can thiệp, xử lý nạn bạo lực gia đình. Mỗi học viên tự mình nêu ra các tình huống, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, qua đó góp phần triển khai hiệu quả dự án 8 tại địa phương. 

  • Cách làm sáng tạo giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai Dự án 8 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều cách làm sáng tạo, giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế. Theo đó, tại 40 thôn của 6 huyện (Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành) đã được triển khai tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, người có uy tín trong cộng đồng.

Còn ở huyện miền núi Trà Bồng, nơi có khoảng 80% hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số; trước đây, đa số chi em sản xuất theo tập quán canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi Dự án 8 được triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế; hỗ trợ sinh kế để chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ vốn đối ứng để hội viên xây dựng các tổ hợp tác, mô hình liên kết sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số Trà Bồng tự tin trong làm kinh tế.

Đơn cử như gia đình chị Hồ Thị Nga ở thôn Bắc Dương, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng; nhờ chịu khó làm ăn, tiết kiệm và vay thêm ngân hàng, vợ chồng chị đã mở rộng diện tích trồng quế và cây keo; kết hợp với chăn nuôi bò, heo; nên thu nhập của gia đình ngày càng khấm khá. Tính riêng cây quế, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 80 triệu đồng. Chị Nga chia sẻ cách làm của chị là lấy ngắn nuôi dài, chăn nuôi heo, bò, sau đó bán lấy tiền để đầu tư trồng keo, trồng quế: "Phải chịu khó, chịu cực nhưng mà tiết kiệm đủ tiền để mình có nhà ở, hồi chưa có nhà ở thấy nhà người ta mưa thì không bao giờ dột, mình ước gì mình có nhà như họ, có nhà ở ổn định rồi thì mới được làm công việc khác như cây keo, cây quế…"

Chị Nga cũng là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở xã Trà Tây nuôi cá nước ngọt. 5 năm trước, tận dụng mặt nước sẵn có, chị Nga đã đào ao để nuôi cá trắm cỏ, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên giúp tiết kiệm được chi phí mua thức ăn cho cá. Chị cũng rất chịu khó học hỏi cách chăm sóc, vệ sinh tiêu độc khử trùng ao nuôi, nên cá phát triển tốt. Gia đình vừa có nguồn thức ăn, vừa có thêm nguồn thu nhập để đầu tư phát triển kinh tế

Chị Nga luôn được đánh giá cao về mọi mặt, nhất là tham gia các phong trào ở địa phương. Ngoài tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của Hội phụ nữ xã, chị cũng rất tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Chị Hồ Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Tây nhận xét: "Chị Nga phát triển kinh tế gia đình mình bền vững rồi. Bên cạnh đó chị còn giúp đỡ những hội viên nghèo, hội viên đặc biệt khó khăn như là có người nhà mất, chị cho mượn tiền để hỗ trợ họ phát triển kinh tế, cũng như là đối với những hộ gặp hoạn nạn ốm đau, chị cho mượn để điều trị bệnh, không có tính lãi"

Cuộc sống gia đình giờ đã khấm khá hơn nhưng chị Nga vẫn luôn siêng năng lao động. Nhờ chịu khó lao động, tiết kiệm chi tiêu đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Bản thân chị đã khẳng định được vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Bồng, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường có tâm lý lo sợ, e ngại, không tự tin, mạnh mẽ trong các hoạt động kinh tế cũng như giao tiếp xã hội. Từ khi triển khai Dự án 8, ngoài việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Hội còn mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực của phụ nữ trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số; góp phần tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ trong tất cả hoạt động. Đối với phụ nữ miền núi, muốn triển khai hiệu quả, cán bộ Hội phải “cầm tay chỉ việc”, phải thường xuyên đến từng hộ để hướng dẫn họ cách chăn nuôi, trồng trọt.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ngãi Lê Na cho biết, địa phương đã thực hiện thành công nhiều mô hình làm ăn mới, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhiều hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ toàn diện. Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế không chỉ giúp có thu nhập để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, mà còn giúp họ có được tiếng nói trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện bình đẳng giới, giúp chị em có cơ hội nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tập trung các nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp, giới thiệu sản phẩm ra thị trường; phát huy nguồn lực của hội viên để xây dựng các mô hình, tổ hùn vốn quay vòng hỗ trợ nhau về ngày công, con giống...

 

Thu Hòa

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC