Đậm đà bản sắc Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai
Thứ ba, 13:46, 16/04/2024 Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai những ngày giữa tháng tư trở nên sôi động, rộn ràng với Lễ hội văn hóa đa sắc màu. Gần 800 nghệ nhân tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần III, năm 2024 với những màn trình diễn ấn tượng, tôn vinh di sản văn hóa, để lại trong lòng công chúng và du khách những ấn tượng sâu đậm.

 

Các nghệ nhân dân gian từ các làng Jrai , Bahnar ở Gia Lai, đã tạo nên một không gian lễ hội độc đáo, thông qua việc phục dựng nguyên bản các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa  như: Lễ bỏ mả, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng nước giọt, Lễ mừng nhà rông….

Tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, khi thì vang tiếng cồng chiêng, lúc mượt mà lời dân ca, réo rắt các loại nhạc cụ truyền thống. Văn hóa cổ truyền của các cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, như nảy mầm giữa lòng thành phố hiện đại.

Trong tiếng cồng tiếng chiêng tưng bừng náo nức, bàn tay của nghệ nhân Kpăh Uyên, huyện Phú Thiện dường như nhanh nhẹn và uyển chuyển hơn. Bà Kpăh Uyên khéo léo dệt những sợi thổ cẩm bằng tay thành một tấm vải thổ cẩm Jrai nhiều màu sắc đang nhanh chóng thành hình trong hạnh phúc dâng trào. 

Bà Kpăh Uyên chia sẻ: "Tôi rất vinh dự vì được huyện chọn là nghệ nhân lên dệt thổ cẩm, tôi muốn truyền lại cho các cháu về truyền thống của nghề dệt thổ cẩm Jrai. Rất thích đội cồng chiêng với dệt thổ cẩm. Nhiều khi thấy các con, các cháu hát hay, hát đúng còn muốn rơi nước mắt”.

Trong Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai năm nay, bên cạnh sắc màu văn hóa của 2 dân tộc Bahnar và Jrai, còn có sắc màu văn hóa của dân tộc Tày từ phía Bắc vào xây dựng quê mới. Khách tham quan và các nghệ nhân đã  hòa vào tiếng đàn Tính và tham gia nhảy sạp, nối gần thêm tình cảm của các cộng đồng vốn cách xa nhau cả ngàn cây số.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, ngày hội năm nay thành công, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các nghệ nhân tham gia với niềm phấn khởi, tự hào.

“Năm nay chúng tôi làm có những cái khác biệt so với những năm trước, đó là có thêm các hoạt động như trình diễn thời trang của đồng bào, chỉnh chiêng, đi cà kheo, hát đàn tính, có nhiều cái mới hơn so với những năm trước. Hy vọng rằng là đây là bước đầu để khôi phục lại các giá trị về văn hóa của từng cộng đồng dân tộc”. - Ông Nguyễn Ngọc Nhung nói.

Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC