Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng-nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa
Thứ hai, 14:03, 22/07/2024 Giàng Seo Pùa/VOV4 Giàng Seo Pùa/VOV4
VOV4.VOV.VN: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhắc đến một câu nói của tiền bối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thông điệp mang giá trị căn cốt này đã và đang mang lại luồng sinh khí mới, diện mạo mới trên những miền đất xa xôi của Tổ quốc. (Giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam 21/7/2024)

 

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: “ là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì Dân tộc còn”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. 

Khi chủ trì hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nội dung này:" Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế. Ưu tiên giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa , giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhất là các lễ hội truyền thống, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Tôi muốn nhấn mạnh cái chỗ văn hóa. Liên hệ đến Tây Nguyên chúng ta có bản sắc, đặc sắc riêng, các đồng chí cố gắng khai thác được không? Đây không chỉ là văn hóa vui chơi giải trí, đây là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, và đây cũng là cái Kênh chúng ta làm kinh tế trong thời kỳ này rất là hấp dẫn".

 

 

Khi nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, anh Đinh Ply, người  Ba Na đến từ tỉnh Gia Lai đang sinh sống tại mái nhà chung 54 dân tộc (ở Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô-Sơn Tây-Hà Nội), và đồng bào trong Làng ai nấy đều vô cùng thương tiếc, xúc động. Anh Đinh Ply bày tỏ cảm xúc của mình:" Bác đã từng nói về giữ gìn và phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc của Việt nam nói chung cũng như là các dân tộc thiểu số làm sao mình gắn kết, cùng nhau đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương cho đất nước đi lên, tạo điều kiện cho nhau để phát triển kinh tế, cũng như là  giúp đỡ lẫn nhau, học tập cho nhau về văn hóa. Phát huy vai trò đó thì tôi cố gắng ghi nhận để giữ gìn bảo tồn theo lời của Bác, cũng đã căn dặn cũng như vừa rồi đã xuống nhận cuốn sách của bác, đã gửi tặng cho đồng bào các dân tộc. Cuốn sách rất là cảm xúc, lời bác viết lại để bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa các dân tộc Việt nam cũng như là dân tộc Ba Na đangphát huy bảo tồn ở trong Làng văn hóa nói chung, rất là hay và mang nhiều ý nghĩa rất là quan trọng đối với dân tộc Việt Nam chúng ta".

Chị Bùi Thị Thảo-dân tộc Mường cho biết: dù chưa được gặp Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng, nhưng chị cảm nhận rằng Bác là một người rất gần gũi, từ những cử chỉ hành động, những câu nói rất sâu sắc, đi vào lòng người dân:" Thay mặt cho cộng đồng dân tộc Mường về đây để bảo tồn bản sắc văn hóa, một câu nói của bác rằng là: Văn hóa còn thì dân tộc còn. Thế thì nếu như văn hóa không còn thì làm gì có dân tộc nữa. Thiết tha câu nói đấy của bác cho nên là các anh các chị đồng bào dân tộc Mường ở đây cố gắng phát huy để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình để còn văn hóa dân tộc Mường mình, để còn dân tộc Mường mình trong 54 dân tộc anh em. Mang đến cho du khách trong và ngoài nước những nét văn hóa  giới thiệu đến với họ những nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào Mường mình để người ta hiểu được văn hóa của dân tộc Mường mình là gì, từ đó họ sẽ hiểu và sẽ nắm bắt được những nét văn hóa của dân tộc Mường".

 

Nhớ lại 13 năm về trước, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên thăm huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, ông Lầu Minh Pó, Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát cũng được nghe những lời căn dặn của Bác về xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nay đồng bào Mông ở Mường Lát đã xóa bỏ được hủ tục người mất không đưa vào áo quan và phát huy được vốn văn hóa truyền thống:" Bản sắc văn hóa lúc lên bác bảo là dù thế nào thì thế dân tộc nào cũng phải bảo tồn văn hóa của dân tộc đó, cho nên người Mông hiện nay vẫn giữ bản sắc văn hóa, nhất là hát đám cưới. Con gái trưởng thành đi lấy chồng phải siêng, đó là văn hóa của dân tộc Mông. Cái nữa là thổi khèn, thổi sáo, rồi cái đàn môi của dân tộc Mông đang cố gắng khôi phục lại".

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thông điệp mang giá trị căn cốt này đã và đang mang lại luồng sinh khí mới, diện mạo mới trên những miền đất xa xôi của Tổ quốc. Hơn thế, bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát huy đã nhân lên “sức mạnh mềm” để xóa bỏ hủ tục, đói nghèo, lạc hậu, đánh thức những vùng đất, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Văn hóa còn thì dân tộc còn – lời căn dặn đó của đồng chí Tổng Bí thư đã “nằm lòng” cán bộ và nhân dân hai huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai là Si Ma Cai và Bắc Hà. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu việc giữ gìn và bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc của người Mông ở hai huyện vùng cao này trong phần tiếp theo của chương trình.

 

Giàng Seo Pùa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC