Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với trang phục dân tộc
Thứ tư, 15:32, 24/07/2024 Giàng Seo Pùa/VOV4 Giàng Seo Pùa/VOV4
VOV4.VOV.VN: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc; trong đó có 85% là dân tộc Kinh, còn lại là 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng đã tạo nên sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam. Trong đó, sự đa dạng về trang phục là một trong những yếu tố cấu thành và là dấu hiệu để nhận diện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. ) Chương trình Giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam 24/7/2024)

 

 

Trang phục truyền thống là nét đặc trưng riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Dù có bị pha trộn theo diễn biến của lịch sử, nhưng trang phục truyền thống của từng dân tộc vẫn mang cốt cách, linh hồn của họ. Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước ta, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyện Phú Trọng luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. 

 

Cũng chính vì vậy, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của của Đảng, Nhà nước, mỗi khi có dịp đến thăm và làm việc với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường mặc một chiếc áo dân tộc được bà con trao tặng. Bộ Trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh là một lãnh đạo được tháp tùng Tổng bí thư nhiều chuyến công tác ở các tỉnh miền núi cho biết: "Rất ấn tượng với những chuyến công tác đi địa phương với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là các sự kiện dự ngày Hội Đại đoàn kết các dân tộc hoặc là đến thăm vùng đồng bào dân tộc và đồng bào rất quý đồng chí Tổng Bí thư, cũng mong muốn mời đồng chí Tổng Bí thư mặc những bộ trang phục của mình. Thế và đồng chí Tổng Bí thư  cũng rất là chủ động, rất là vui vẻ và phấn khởi khi được đồng bào trao tặng cho những trang phục của mình và mặc trang phục đó để trò chuyện, để dặn dò bà con. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước của chúng ta đều thể hiện quan điểm này và khi đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều mặc trang phục của bà con ngồi cùng bà con, ăn uống đồ ăn của bà con thì chúng tôi cho rằng đấy là những nghĩa cử cao đẹp là những tấm gương học tập đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những đồng chí xuất sắc và thực hiện việc này hết sức là tốt một cách tự nhiên và đồng bào rất phấn khởi".

 

Hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong mặc trang phục của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Ja Rai, M’Nông, Thái, Mường hay Mông, Dao, Tày- Nùng…khi đến với bà con đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong nhân dân về hình ảnh người lãnh đạo đáng kính luôn gần dân, hòa cùng nhịp sống của đồng bào. Hình ảnh đó cũng như một lời nhắc nhở bà con các dân tộc thiểu số cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: " Đất nước chúng ta là nước đa dân tộc, có 54 dân tộc cùng sinh sống tạo nên một sắc màu văn hóa hết sức tốt đẹp trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của mỗi một dân tộc thể hiện thông qua rất nhiều các hình thức khác nhau, trong đó có truyền thống về mặc trang phục của mình gìn giữ trang phục của mình. Đây cũng là một trong những chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc-đó là về trang phục. Tôi nghĩ rằng là với người đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu Đảng, Nhà nước khi đến với bà con nhân dân sẵn sàng cùng ăn, cùng ở, cùng nói chuyện, cùng sử dụng trang phục mà còn tạo nên sức mạnh đại đoàn kết hết sức to lớn".

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Nam nói chung và trang phục truyền thống nói riêng là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt. Trong đó, việc thành lập và duy trì sự đa dạng văn hóa các dân tộc thiểu số được thể hiện rõ nhất tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô-Sơn Tây-Hà Nội. Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho rằng:" Trong bộ trang phục của bà con không chỉ đẹp về mặt hình thức, mà bao gồm các nội hàm về giá trị văn hóa được ẩn chứa trên mỗi hoa văn, được ẩn chứa trên mỗi họa tiết đó. Khi Làng văn hóa có sự kiện hoặc tổ chức hoạt động thì mời nghệ nhân về trình diễn. Hiện nay chúng tôi đang đón 16 cộng đồng các dân tộc và là các nghệ nhân về đây mặc trang phục của dân tộc mình để tổ chức giới thiệu các giá trị văn hóa và chúng tôi thấy rằng là bà con trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình".

 

Mỗi dân tộc có trang phục truyền thống riêng, với nét độc đáo không thể pha lẫn. Khi khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, mỗi người cảm thấy tự hào về dân tộc mình. Về điều này, bà Triệu Mùi Say, dân tộc Dao, nguyên Phó vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc-Uỷ ban Dân tộc chia sẻ: "Về nhà tôi vẫn nói tiếng Dao, luôn luôn giữ gìn đầu tiên là phải tiếng Dao-đấy là nội tâm nội dung và hình thức mà. Nội dung mình là người Dao phải biết tiếng Dao, hát Dao, hình thức là mình phải có trang phục người Dao, các bạn phải có bộ trang phục người Dao. Đi bất cứ nơi đâu hội nghị quan trọng chúng ta mặc trang phục Dao thì mình mới biết được văn hóa dân tộc mình, không quên được cuội nguồn.".

 

 

Giàng Seo Pùa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC