Bắc Kạn: Người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến thất thế ngay trên “sân nhà"
Thứ sáu, 16:54, 22/09/2023 Công Luận/VOV Đông Bắc Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 100.000ha rừng trồng. Với lợi thế này, Bắc Kạn thu hút được nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ gỗ rừng trồng... Nhưng nghịch lý đang diễn ra là nhiều nhà máy phải nhập nguyên liệu ở các tỉnh lân cận, còn người trồng rừng thì xoay sở tìm đầu ra.

 

Công nhân cơ sở gỗ bóc của bà Cà Thị Thuần (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đang tất bật bốc hàng cho đối tác tại tỉnh Bình Dương. Quãng đường vận chuyển dù xa nhưng yêu cầu mẫu mã của đối tác không quá khắt khe, giá cả lại hợp lý, đơn hàng được thanh toán ngay khi giao nên cơ sở bóc gỗ này chấp nhận bán hàng cho doanh nghiệp ở cách Bắc Kạn tới gần 2000km. Bà Cà Thị Thuần cho hay: “Chúng tôi cứ có mối ở đâu là xuất đi nơi đó, tất cả các tỉnh luôn, như xe này đi miền nam, còn không thì đi Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội."

Không riêng cơ sở của bà Thuần, hiện các cơ sở sản xuất ván bóc ở Bắc Kạn lựa chọn thị trường tiêu thụ như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội hay tận Bình Dương… thậm chí có giai đoạn nhiều xưởng sơ chế thủ công không thể tìm được đầu ra, đành để hàng tồn kho. Ông Trần Song Hào, chủ cơ sở ván bóc ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho hay: “Sản phẩm của chúng tôi hiện nay chúng tôi bán chủ yếu dành cho sản xuất nội địa, cấp chủ yếu cho các cơ sở ép gỗ ở Đông Anh, Hà Nội.

Trong khi đó, tại khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, chỉ cách những cơ sở chế biến ván bóc thủ công trên từ vài km đến vài chục km, hàng loạt nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đang phải lấy nguyên liệu từ các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang… để phục vụ sản xuất. Lý giải điều này, ông Trịnh Xuân Dương –  Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ Gỗ tại Bắc Kạn cho hay: Một trong những rào cản lớn nhất chính là về nguồn gốc gỗ, yêu cầu rất quan trọng đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

"Một số quốc gia, trong đó có liên minh châu Âu quy định tất cả sản phẩm gỗ khi xuất khẩu vào châu Âu phải có được chứng nhận sản phẩm này được phát triển, khai thác, chế biến một cách bền vững. Với châu Âu thì chứng chỉ rừng FSC được chấp nhận, tuy nhiên để sản xuất ra sản phẩm có FSC chúng tôi phải mua được gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, hiện Bắc Kạn chưa có, trong khi các tỉnh khác, ví dụ Tuyên Quang làm rất tốt, cho nên để có FSC chúng tôi phải nhập gỗ từ tỉnh ngoài”. - Ông Trịnh Xuân Dương cho biết thêm.

Kể cả một số thị trường nước ngoài chưa đòi hỏi chứng nhận FSC, các cơ sở gỗ thủ công cũng như người trồng rừng Bắc Kạn cũng không dễ đáp ứng được các yêu cầu cơ bản khác theo quy định. Ông Ngô Văn Hiến, Công ty CP Đầu tư GOVINA  cho biết thêm: "Khi làm xuất khẩu hoặc bán ra thị trường thì họ đều đòi hỏi phải có nguồn gốc, như các công ty chúng tôi cần có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, nhưng như vậy người dân họ ngại, không thích, đây là vấn đề khó khăn ."

Nhà máy đặt ngay trong vùng trọng điểm trồng rừng nhưng lại không thể tiếp cận được nguyên liệu tại chỗ. Ở đây, có phần trách nhiệm của chính các doanh nghiệp, khi chưa có sự phối hợp với người dân trong việc xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ cho dù đã đứng trên trên địa bàn nhiều năm.

Một thực tế khác là người trồng rừng thường bán gỗ chưa đủ tuổi, chất lượng không cao do có sự tranh mua của các tư thương, nhất là các cơ sở băm dăm xuất sang thị trường Trung Quốc hay tiêu thụ nội địa. Những tư thương này sẵn sàng trả tiền ngay, với giá cao hơn và không đòi hỏi các giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên có khá nhiều cơ sở không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như thủ tục để cung cấp nguyên liệu qua sơ chế cho các nhà máy gỗ xuất khẩu. Bà Ma Thị Thiềm, Đại diện Công ty Hồng Ngọc cho hay: "Với công ty có nguyên liệu đầu vào thì phải có nguồn gốc gỗ từ người dân mới đủ điều kiện, với các xưởng ván bóc ở Bắc Kạn thì đa số là xưởng nhỏ, chưa có hóa đơn đầu vào. Do đó, công ty chủ yếu lấy nguyên liệu từ cơ sở ở Thái Nguyên vì họ có hóa đơn về nguồn gốc đầu vào cho doanh nghiệp."

Xác định cải thiện chất lượng rừng là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao giá trị ngành sản xuất chế biến gỗ, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các giải pháp định hướng người dân tham gia chuỗi cung ứng gỗ chất lượng. Năm 2017, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với một doanh nghiệp của Tuyên Quang xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC đầu tiên tại huyện Chợ Mới với diện tích gần 1.000ha. Vậy nhưng sau khi có chứng chỉ, doanh nghiệp không đến thu mua theo cam kết, người dân buộc phải bán cho thương lái và các cơ sở chế biến thủ công trên địa bàn. 

“Có chứng chỉ FSC được 3-4 năm mà không có doanh nghiệp về mua, người dân nọ thất vọng thực sự. Giờ có dự án phát triển rừng bền vững triển khai họ cũng không mặn mà nữa rồi”. - Ông Vũ Ngọc Tùng, Thôn Tổng Sâu, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn bức xúc nói.

Bắc Kạn là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về trồng rừng và đây cũng đang là hướng đi chủ lực của địa phương này. Do đó, nếu không có giải pháp cụ thể, phù hợp thì bài toán về nguồn gốc nguyên liệu của doanh nghiệp và phát triển rừng bền vững của người dân sẽ còn nan giải.

Việc tìm ra tiếng nói chung giữa người dân, cơ sở chế biến thủ công và doanh nghiệp xuất khẩu đang là đòi hỏi cấp thiết. Đây sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp có thể an tâm đầu tư, còn người dân có được đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững. Điều này sẽ giúp cho cả người dân lẫn doanh nghiệp Bắc Kạn không thất thế trên “sân nhà”.

Công Luận/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC