Năm học 2024-2025, tỉnh Bắc Kạn có 280 trường học các bậc từ Mầm non đến THPT. Trong đó, có 44 trường nội trú, bán trú và 106 trường Mầm non công lập tổ chức nấu bữa ăn cho học sinh từ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; 141 trường Mầm non, Tiểu học tổ chức nấu ăn cho học sinh từ kinh phí thỏa thuận với phụ huynh học sinh và tất cả đều phải triển khai theo Luật Đấu thầu 2023.
Tuy nhiên, dù đã 1 tháng sau ngày khai giảng năm học mới, tất cả các cơ sở giáo dục này đều chưa thể triển khai lựa chọn đơn vị cung ứng theo Luật. Hầu hết vẫn tổ chức bữa ăn cho học sinh theo phương thức như các năm học trước. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng.
Một phụ huynh học sinh chia sẻ: “Cứ đến trưa phải đi đón đưa trẻ thế này rất bất tiện. Tôi thường phải nhờ người đón giúp, vì lúc các cháu tan học vẫn còn giờ hành chính. Tôi mong sớm có bữa ăn bán trú để phụ huynh yên tâm hơn"
Theo quy định, các trường học sẽ phải chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn. Vậy nhưng, hầu hết các thầy cô giáo chưa bao giờ thực hiện nên chưa nắm rõ quy trình, thủ tục liên quan.
Một số đơn vị còn băn khoăn chưa biết mình có thuộc diện áp dụng Luật đấu thầu hay không? Sử dụng nguồn kinh phí nào cho việc thuê tư vấn? Đơn vị mình thuộc diện chỉ định thầu hay đấu thầu? Việc đấu thầu theo tháng, theo quý hay phải trọn gói cả năm?...
Bà Hứa Hoàng Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Theo phản ánh các nhà trường thì hiện gặp khó trong thực hiện thủ tục. Trên địa bàn huyện cũng chưa có đơn vị cung cấp suất ăn cho trẻ, mà chỉ có các cửa hàng ăn uống. Vừa qua, trường Mầm non thị trấn Bằng Lũng có tổ chức họp, lấy ý kiến phụ huynh, các bậc phụ huynh, nhưng cũng chưa đồng thuận, nhất trí cho đơn vị ngoài vào cung ứng suất ăn. Họ muốn thuê nuôi người nấu ăn như các năm trước”.
Để không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, nhất là tại các xã, huyện vùng sâu, vùng khó khăn, nhiều trường đành phải tiếp tục nấu ăn cho học sinh theo phương án các năm trước vẫn thực hiện.
Theo thầy giáo Ma Văn An, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn: Công Bằng là xã khó khăn của huyện. Việc duy trì sĩ số lớp học là điều rất vất vả với các thầy cô. Bởi, nhiều học sinh cách trường đến hơn 10km. Bữa ăn bán trú với thịt, cơm, canh nóng, đủ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để các em an tâm đến lớp.
“Bây giờ theo Luật phải chờ đấu thầu xong mới nấu ăn. Nếu tạm dừng thì các em sẽ nghỉ hết. Các em đều ở xa, ngủ tại trường hết, nếu dừng nấu, các em sẽ ăn cái gì. Đó là điều chúng tôi rất băn khoăn. Giờ giảng dạy là 2 buổi/ngày. Theo quy định chương trình phổ thông mới, lớp 3 đã có Tin học, Tiếng Anh, nên chúng tôi cắt các điểm trường từ lớp 3, đưa các em về đây ở tập trung bán trú. Mà đã ở đây thì phải có chỗ ăn chỗ ở cho các em. Mấy năm trước vẫn cho ăn ở như thế thôi, nhưng giờ có Luật mới, nhà trường cảm thấy thực sự khó khăn”. - Thầy Ma Văn An nói thêm.
Trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục Bắc Kạn, Sở KH&ĐT Bắc Kạn, sở Tài chính Bắc Kạn đã có văn bản hướng dẫn và giải đáp một số vấn đề liên quan đến lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho học sinh.
Ông Đinh Hồng Đăng, Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính, sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Sở KH&ĐT Bắc Kạn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn các đơn vị trường học, các cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp liên quan đến công tác đấu thầu. Tuy vậy, với các trường khó khăn đó là các thầy, cô giáo chủ yếu là nhiệm vụ đứng lớp, nên chưa thể quen với các văn bản quy định về đấu thầu. Do đó, hiện các thầy cô hiện vừa phải nghiên cứu, vừa học hỏi để thực hiện sao cho đúng quy đinh”.
Việc các trường tiếp tục triển khai bữa ăn theo phương thức cũ như một giải pháp tình thế và cũng đẩy các thầy cô giáo vào thế khó. Do đó, khi các hướng dẫn đã đưa ra, các cơ sở giáo dục cần sớm áp dụng, triển khai, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Đồng thời, qua đó cũng để đánh giá đúng tình hình khi áp dụng Luật vào thực tế, để có những đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tiễn./.
Viết bình luận