Trong 10 năm qua, số hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tại Bắc Kạn là hơn 173 nghìn lượt hộ với tổng vốn hơn 7.200 tỉ đồng. Đến tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng tại Bắc Kạn là hơn 3.300 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ so với 2014. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, với tỉ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,13%.
Từ nguồn vốn chính sách xã hội, đã có hơn 22.600 hộ thoát được nghèo, hơn 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 20.000 lao động được tạo việc làm, gần 3.700 người đi lao động xuất khẩu cùng hàng nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường, hàng nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách được xây dựng. Ông Lý Văn Nhạy, thôn Phiêng Tạc, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Vài năm trước, ông đã vốn Ngân hàng CSXH để cho 2 con đi xuất khẩu lao động. Nhờ nguồn vốn tích lũy của gia đình và tiền các con gửi về, gia đình ông đã thoát được nghèo, trả hết nợ và dựng được ngôi nhà trị giá hơn 900 triệu đồng.
Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế nên cơ bản Bắc Kạn chưa thể đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Ngoài ra, các loại thiên tai, dịch bệnh như COVID-19, các loại bệnh trên đàn gia súc, mưa lũ, sạt lở... liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng nên việc triển khai Chỉ thị có nơi còn chậm… Do đó, Bắc Kạn xác định việc tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW và tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đối với tín dụng CSXH là một trong nhiệm vụ quan trọng thời gian tới./.
Viết bình luận