Cao Bằng: Từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào từ chương trình mục tiêu Quốc gia
Thứ tư, 14:24, 06/11/2024 Công Luận-CTV Tiểu Nguyệt/VOV Đông Bắc Công Luận-CTV Tiểu Nguyệt/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đời sống người dân những vùng khó khăn của tỉnh Cao Bằng từng bước được cải thiện, góp phần quan trong trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng ở địa phương.

Thị Hoa là xã vùng cao biên giới thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Đời sống của người dân nơi đây vốn phụ thuộc vào cửa khẩu với nghề bốc vác hàng hóa, buôn bán nhỏ lẻ và làm nông nghiệp. Khi dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế biên mậu ngưng trệ đã khiến nhiều hộ gia đình rơi vào diện tái nghèo. Vì vậy, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai đã góp phần quan trọng để ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.

Gia đình thuộc diện khó khăn, ông Đàm Thanh Quý, xóm Tổng Nưa, xã Thị Hoa, (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) đã được cấp 2 con lợn giống sinh sản và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo Chương trình MTQG. Từ bán lợn giống, gia đình ông có thêm khoản thu nhập cho con cái học hành.

"Được Nhà nước cấp lợn sinh sản cho để nuôi tôi vui lắm. Lợn này là giống địa phương nên cũng dễ chăm, sẵn có chuối, có rau là nuôi cũng dễ, vừa rồi đã đẻ một lứa. Lợn lớn nhanh, chăn nuôi cũng hợp khí hậu nên ít bị bệnh", ông Quý  nói.

Nhờ có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Hạ Lang thực hiện đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung và triển khai thực hiện hỗ trợ téc nước cho gần 1.200 hộ nghèo. Thực hiện được 35 công trình giao thông, 05 công trình thủy lợi, 01 công trình điện và nước sạch. Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 7 trường PTDT nội trú, bán trú… Đồng thời, triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTTS&MN.

Ông Đàm Thanh Nghị, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Đối với nội dung Chương trình MTQG 1719 thời gian tới, chúng tôi xác định là tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc. Đặc biệt là gắn trách nhiệm với từng tập thể và cá nhân đối với các chương trình, nhất là chủ đầu tư, các đơn vị quan tâm đẩy mạnh hơn nữa tiến độ, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả chương trình”

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi tại Cao Bằng được triển khai với 10 dự án, tổng nguồn vốn giai đoạn 2022-2024 là hơn 3.900 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại đã giải ngân đạt gần 2.000 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho gần 600 hộ nghèo DTTS. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 700 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 15.200 hộ và 149 công trình nước sinh hoạt tập trung. Thực hiện đầu tư 08 dự án quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cấp thiết trên địa bàn tỉnh cho 266 hộ dân… tổng số đã có gần 1.400 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, công trình nước sạch, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng. Hàng ngàn lượt hộ nghèo cũng được hỗ trợ cây, con giống, được tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề thông qua chương trình nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm.

Ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết:  “Người dân được tiếp cận với các nội dung của dự án và đặc biệt là triển khai kế hoạch chăn nuôi, triển khai phát triển cây lâm nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình tạo sinh kế ban đầu và tạo lập bước xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình, người dân từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, nước sạch… Đây cũng là bước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân” 

Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh Cao Bằng cũng chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Chương trình MTQG đã nâng cao đáng kể đời sống xã hội cho các vùng khó khăn tại Cao Bằng, góp phần quan trọng để tỉnh biên giới này đạt tỉ lệ giảm nghèo trên 4%/ năm.

“Vốn chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được các cấp, ngành, địa phương Cao Bằng nỗ lực triển khai thực hiện. Các văn bản của Trung ương, của tỉnh ban hành đã khá kịp thời để gỡ khó khăn, vướng mắc. Hiện 3 chương trình MTQG chủ yếu nằm ở cấp xã, do đó, kịp thời bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ huyện, xã là rất quan trọng, trọng tâm là cán bộ cấp xã. Các sở, ngành cần kịp thời nắm bắt nội dung nào cán bộ cơ sở còn yếu, còn chưa vững phải tập huấn, hướng dẫn ngay, đồng thời phương pháp phải chú trọng “cầm tay chỉ việc” để tháo gỡ nội dung công việc còn vướng mắc…”, Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Cao Bằng đánh giá.

Với tính bao phủ toàn diện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang tạo ra thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn ở tỉnh Cao Bằng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào đang dần hoàn thiện; Kinh tế nông, lâm nghiệp từng bước phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đang tạo ra những bước chuyển mới, giúp người dân vùng cao dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để phát huy thế mạnh của địa phương./.

 

Công Luận-CTV Tiểu Nguyệt/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC