Câu chuyện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chủ nhật, 09:03, 04/08/2024 Thu Hoà Thu Hoà
VOV4.VOV.VN: Đến cuối năm 2023, nước ta có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; trong đó có tới 136 chính sách dân tộc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Câu chuyện chính sách luôn được đặt ra với nhiều khía cạnh, nội dung khác nhau, quan trọng nhất là hiệu quả cuối cùng mà đồng bào dân tộc được thụ hưởng.
  • 3 yếu tố quyết định việc thực hiện chính sách

Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua, bà Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh từng ví von rằng: “chính sách dân tộc của chúng ta hiện nay khá chồng chéo, như dầu đổ vào đèn, tức là hết cháy thì chúng ta lại đổ dầu vào và việc này sẽ dẫn đến thực trạng chúng ta sẽ khó có thể giải quyết chính sách một cách căn cơ và bài bản có thể hỗ trợ tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Rõ ràng, chính sách dân tộc được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, tập trung nguồn lực, bởi đây là vùng lõi của đói nghèo, khó khăn. Nhưng việc thực hiện cùng lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: giảm nghèo, nông thôn mới và các chương trình khác thì cần phải rà soát để tránh chồng chéo. Theo Phó GS. TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên- Môi trường thì điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương ngay từ khâu xây dựng kế hoạch: "câu chuyện đặt ra là cơ chế, chính sách chúng ta phải rà soát để hoàn thiện lại, thậm chí có những chính sách chúng ta đã ban hành từ lâu rồi, bây giờ nó có nhiều thay đổi thì chúng ta phải điều chỉnh cho phù hợp. Hai nữa là bây giờ chúng ta lấy tiêu chí là đối với những cái xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15 % thì thoát ra khỏi xã nghèo. Đây là đối tượng theo địa bàn, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến đối tượng này, chứ nếu như một kẻ chỉ, theo tiêu chí đưa ra mà chúng ta không có chính sách hỗ trợ thì câu chuyện tái nghèo nó lại diễn ra và mục tiêu giảm nghèo bền vững, chúng ta không thực hiện được. Do vậy mà vấn đề đặt ra ở đây chính là đầu tiên chúng ta phải thể chế chính sách và sau đó là tổ chức thực hiện, ở đây chính là sự phối hợp, phân cấp phân quyền và theo quan điểm của tôi thì phân cấp mạnh xuống cho địa phương cấp tỉnh để họ chủ động triển khai, trên cơ sở hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách của Trung ương thì sẽ đảm bảo giảm thiểu chồng chéo bất cập".

Với một quốc gia đa dân tộc, lại đang trong quá trình hội nhập và phát triển như Việt Nam, vấn đề thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi chỉ khi làm tốt công tác dân tộc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc thì sức mạnh tổng hợp của một quốc gia mới được huy động và phát huy cao độ. Điều này đòi hỏi mọi chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước từ khâu hoạch định đến việc thực thi đều phải xuất phát từ thực tiễn tình hình dân tộc trong nước, phải trên cơ sở đặc thù, đặc điểm cơ bản của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ông Hà Ngọc Chiến, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, "một trong các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xác định những dân tộc thiểu số rất ít người và những dân tộc thiểu số trên 10.000 người còn khó khăn, để tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết, giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết rồi thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, vấn đề khó khăn về kết cấu hạ tầng đô thị, vấn đề đội ngũ cán bộ giáo dục, y tế, đào tạo…Hiện nay những chính sách cụ thể về lĩnh vực này cũng đã có, đang thực hiện nhưng thành chương trình mục tiêu quốc gia thì cần những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và có nguồn lực để gắn với những mục tiêu, chỉ tiêu này".

Có 3 yếu tố quyết định việc thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: cần phải có chính sách đúng, cơ chế đúng và nguồn lực đúng. Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc hầu A Lềnh đã nhấn mạnh điều này khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Ông Hầu A Lềnh đề nghị cần sớm xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, hạn chế tối thiểu những vấn đề vướng mắc, để trong quá trình thực hiện đảm bảo được các quy định pháp luật, phân cấp, phân quyền cho các địa phương và các bộ, ngành để đảm bảo tính khả thi trong khi thực hiện. "Rút kinh nghiệm giai đoạn trước là 188 chính sách được tích hợp vào trong chương trình này, có những chính sách 3 năm sau để bố trí đủ vốn, có những chính sách bố trí được vốn nhưng đến thời điểm hiện nay khoảng độ 10%, nhiều nhất là 48 %. Lần này là quyết tâm cao, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần đầu tiên trong lịch sử có một chính sách chuyên đề, tập trung trọng tâm trọng điểm vào vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi, giữa miền núi với miền xuôi… và giữa đồng bào khó khăn với đồng bào ít khó khăn, thì mấy yếu tố để quyết định được. Đó là phải chính sách đúng. Hai là phải cơ chế đúng, ba là nguồn lực đúng"- Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

  • Chính sách hiệu quả là có sự đồng thuận của người dân

Chính sách, cơ chế đúng và nguồn lực đúng nhưng không phải dễ thực hiện, nếu như không đặt lợi ích chung của người dân lên trước hết. Bởi vậy, theo tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, một chính sách được ra đời thường trải qua 3 giai đoạn: hoạch định, xây dựng và ban hành chính sách, tiếp đến là giai đoạn thông qua chính sách. Vậy muốn tránh việc thao túng chính sách, dẫn đến tham nhũng, chúng ta phải khoa học và minh bạch ngay từ giai đoạn đầu tiên: "Quá trình xây dựng hoạch định thông qua chính sách của chúng ta, nó phải khoa học và nó phải minh bạch. Thứ hai là quá trình đó phải có sự phản biện công khai, xét cho cùng vẫn là con người, thậm chí là chính sách có thể không tốt thì con người tốt vẫn được, tức là người ta nói câu chuyện đạo đức, đạo đức có thể lấp đầy các lỗ hổng của pháp luật hiện nay. Tôi muốn nói rằng Đảng ta rất quan tâm đến câu chuyện phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chính là cái gốc của câu chuyện đạo đức cách mạng, sự liêm chính của cán bộ, công chức và cái đó thì đương nhiên chúng ta không thể làm một ngày hai được"- TS Đinh Văn Minh nói.

Như vậy, để chống tham nhũng chính sách, là một loại hình tham nhũng gây thiệt hại lớn, đặc biệt có thể tạo ra hành lang pháp lý cho việc trục lợi trong một thời gian dài, chúng ta phải có một quá trình xây dựng và ban hành chính sách thực sự khoa học và đề cao tính minh bạch, cũng như hiệu quả của quá trình phản biện chính sách. Một trong những giải pháp quan trọng nữa, đó chính là tính liêm khiết của cán bộ, công chức.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặt việc tuyên truyền, giáo dục và xây dựng thể chế lên hàng đầu trong công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng ngừa tham nhũng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế; cùng đó, phải công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình, và coi đây là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa".

Trong xây dựng chính sách cũng vậy. Theo quan điểm của Tổng Bí thư, bên cạnh sự gương mẫu, quyết liệt, kiên trì, bền bỉ của người đứng đầu, còn nằm ở phương pháp, khi cả bộ máy thực hiện biết "rút kinh nghiệm, lắng nghe góp ý và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân tham gia". Những kết quả tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những chuyển biến tích cực này tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 "Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ 21, đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực". Mục tiêu này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì, bền bỉ thực hiện trong suốt hơn một thập kỷ giữ cương vị đứng đầu Đảng ta.

Một chính sách mang lại lợi ích cho cá nhân vẫn có thể được ngụy trang bằng những mục đích cao đẹp. Chỉ khi chúng ta có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất vì cái chung, thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của người dân và doanh nghiệp, không phải bảo vệ quyền lợi không chính đáng của một nhóm cá nhân hay tổ chức nào đó. Điều này chỉ có được khi liêm chính trong xây dựng pháp luật được đảm bảo.

Thu Hoà

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC