Mô hình “Trồng cây gừng gió xen canh một số loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày” được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trà Bồng triển khai ở xã Sơn Trà từ năm 2020. Bà con tham gia mô hình này được các cán bộ Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc, thu hoạch gừng gió trong vườn nhà và trên rẫy.
Gừng gió là một loại cây gia vị, dược liệu quý mọc hoang trong rừng, trên núi, đồi ở huyện Trà Bồng. Giờ đây, loại cây này được bà con đồng bào Cor trồng xen canh với nhiều loại cây trồng khác trong vườn nhà hoặc trên rẫy. Các hộ dân ở xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng đều phấn khởi khi thấy hiệu quả từ loại cây dược liệu này hơn hẳn các loại cây trồng khác.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cây gừng gió ở xã Sơn Trà mở ra triển vọng phát triển, nhân rộng loại cây dược liệu này ở các xã khác của huyện Trà Bồng. Đặc sản gừng gió Trà Bồng được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mở ra cơ hội xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào Cor ở Trà Bồng.
Bà Huỳnh Thị Thanh Thuý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Bồng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 01 của Đảng bộ huyện Trà Bồng về phát triển cây dược liệu, trong đó có cây gừng gió, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện giúp nông dân phát triển thêm diện tích. Từ mô hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân.
Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn chưa có điều kiện khai thác hết tiềm năng này. Công ty Cổ phần Tập đoàn Khe Xai Eco đã phối hợp chính quyền địa phương thành lập Hợp tác xã dược liệu Khe Xai Sơn Tinh, triển khai Dự án liên kết chuỗi trồng và chế biến cây sả chanh Ấn Độ, trồng một số loại cây dược liệu và triển khai mô hình nuôi bò thảo dược. Đây là cơ hội để doanh nghiệp liên kết với bà con tổ chức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Ông Trần Đại Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Khe Xai Eco chia sẻ, Dự án tập trung chủ yếu vào cây sả chanh Ấn Độ và một số cây hương liệu khác; dùng các loại nguyên liệu đó để chế biến ra nhiều sản phẩm. Trong đó, đặc biệt tập trung vào bò, dê thảo dược. Công ty kết hợp thành lập hợp tác xã sinh thái, dược liệu Khe Xai Sơn Tinh. Công ty mong muốn phát triển từ mô hình này ra các huyện khác, đặc biệt là hai huyện Ba Tơ, Sơn Hà và các huyện miền núi.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú, đa dạng như: Quế Trà Bồng, đẳng sâm, bách bộ, sâm bảy lá một hoa, thiên niên kiện, sa nhân tím, gừng gió, thảo quả, lá khôi, lan kim tuyến... Đây là những loại dược liệu quý, nhu cầu thị trường rất lớn.
Tiến sỹ Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho rằng, chính quyền địa phương và các sở, ngành cần ưu tiên quy hoạch các loại cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên theo hướng bền vững, trồng dưới tán rừng, trồng vùng chuyên canh. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương, đào tạo, tập huấn và xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Doanh nghiệp sẽ là đơn vị đầu mối liên kết các bên tham gia chuỗi giá trị một cách hiệu quả và bền vững, tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu trồng tại địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín và gia tăng giá trị, phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm dược liệu.
Tháng 5/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 – 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Nghĩa Hành khẩn trương rà soát, bổ sung, phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các kế hoạch, dự án liên kết sản xuất trồng sả chanh và chăn nuôi bò thảo dược. Địa phương đặt mục tiêu giải quyết sinh kế cho khoảng 8.000 hộ dân tham gia vào các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi mong muốn sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, tìm hiểu địa hình, địa thế, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi và những dược liệu quý hiếm để tạo nên các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhà đầu tư cũng có lợi, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có lợi. Chúng ta phải tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.
Một số hình ảnh về mô hình trồng cây dược liệu ở vùng cao Quảng Ngãi:
Viết bình luận