Chợ chiều 5 ngàn của người Cơ tu
Thứ hai, 00:00, 10/07/2017 Hải Huyền bt bài + 3 ảnh Hải Huyền bt bài + 3 ảnh
VOV4.VN – Chợ năm ngàn có trụ sở tại thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Chợ chỉ họp vào buổi chiều các ngày trong tuần.


“Thứ gì cũng chỉ 5 ngàn đồng”


4 giờ chiều, phiên chợ tại trung tâm huyện Tây Giang nhộn nhịp kẻ mua người bán. Tiếng rao bán, tiếng xe máy ùn ùn kéo về chợ làm náo nhiệt cả khu. Trong khuôn viên chợ khoảng 100m2, nền lát xi măng và lợp mái tôn, đập vào mắt màu xanh của các loại rau, củ quả, giống cây trồng. 

Hàng bán đủ loại, có cả rượu, ốc, cua, cá… các sản vật người dân tự trồng, tự làm hoặc kiếm trên rừng. Nhưng điều đặc biệt, tất cả đều được bó thành những túm nhỏ hoặc cho sẵn vào từng túi ni lông nhỏ xinh gọn gàng, sạch sẽ. Và thương lái ở đây chủ yếu là người Cơ tu.

 

Từ 3 giờ chiều, các tiểu thương đã bắt đầu tụ họp tại chợ


Anh Bríu Nhờ nhanh nhẹn sắp xếp từng túi nấm, túi măng, quả dứa, miệng xởi lởi mời khách đến mua. Chỉ lên tấm băng rôn với dòng chữ: “Chợ chiều năm ngàn”, anh cười lớn: ở đây thứ gì cũng chỉ năm ngàn.
“Mua thử đi. Bó rau này, bó tre này, cái gì cũng bán năm ngàn hết. Ở nhà không có gì làm. Bán cái ni được chút xíu, kiếm vài đồng mua gạo ăn. 3 giờ đèo hàng lên đây. Bán có lúc được 100.000 – 150.000 đồng”.
Ngồi ở sạp hàng kế bên, chị Ra Đa Thị Hường bán cũng khá nhiều chủng loại: tiêu rừng, vừng, bắp, ốc, đẳng sâm… Chị cho biết, nhà chị ở thôn Agrồng, xã Atiêng, gần ngay chợ, nên ngày nào cũng vậy, sáng đi rẫy, chiều tranh thủ chạy chợ kiếm thêm.

Nhà chị có 3 mặt con, tiền đi chợ đủ phần nào cho chúng ăn học. Trước, chị còn ngại bởi chẳng quen buôn bán. Hàng nhà trồng được, chủ yếu để ăn, thừa đâu đem biếu, tặng cho anh em, bạn bè. Có khi, chúng hỏng hết vì không kịp ăn. Từ khi có chợ, chị mạnh dạn đem đi bán. 
Thấy có lãi, lại chẳng phải chi li giá cả, chị bèn rủ thêm các chị em trong thôn bán cùng. Chị nhẩm tính, phiên chợ hôm nay chị bán được 300.000 đồng.
“Bán hàng tốt hơn. Bán hàng thì hắn ra mặt tiền. Mình làm rẫy thì chỉ đủ ăn lúa, không có tiền mặt để cho con ăn học. Em bán quen rồi em không ngại nữa. Có lúc em bán được 250–300ngàn/ngày. Có lúc 500.000 đồng. Thấy được. Cuộc sống khá hơn trước.



Hàng bán đủ loại, đều là các sản vật người dân tự trồng, tự làm hoặc kiếm trên rừng


“Đi chợ chỉ để gặp người”!


Bà Giơ Râm Đờng, ở thôn A Rớ, xã Lăng, huyện Tây Giang, cũng đến phiên chợ từ rất sớm. Ở tuổi 57, với bà đến chợ không còn là kiếm tiền nuôi miệng ăn nữa mà đơn giản chỉ để gặp người. Có người nói chuyện, thế là bà vui!
“Bán rau, bán sắn, mít, măng. Bà tự kiếm. Vui, nói chuyện vui với mọi người bán. Đông người vui lắm”.

"Chợ chiều năm ngàn” là sáng kiến bắt nguồn từ Dự án khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng tại huyện Tây Giang của tổ chức Malteser International (CHLB Đức). Mục tiêu chính của dự án là khuyến khích bà con hạn chế việc khai thác tài nguyên rừng cũng như đốt phá rừng bừa bãi, thông qua những hoạt động về phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

 


Hàng hóa được bó thành những túm nhỏ hoặc cho sẵn vào từng túi ni lông, có giá 5.000 đồng


Ông Nguyễn Đình Được, Phó Trạm khuyến nông – khuyến lâm huyện Tây Giang, cho hay, để chợ đi vào nề nếp, thời gian đầu dự án đã hỗ trợ 20.000 – 150.000 đồng/hộ chi phí đi lại. Nhờ đó, chợ chiều năm ngàn được bà con tích cực hưởng ứng, mỗi tháng họp 1 lần tại trung tâm huyện. 
“Bên dự án có tổ chức những lớp tập huấn về giới và kinh doanh. Tập huấn cho bà con về ghi chép sổ sách trong kinh doanh cũng giống như cách cân, đong, đo, đếm hàng hóa, thâm nhập thị trường. Tức là làm quen với việc buôn bán dạn dĩ hơn. Vì bà con mình trước đây rất ngại trong việc giao tiếp, nhất là giao tiếp với những người lạ. Hàng tháng tổ chức chợ phiên ngay trung tâm huyện. Và vận động bà con, đem những nông sản, hàng hóa của bà con. Kết hợp với đó, dự án cũng cung cấp giá cả theo giá thị trường để bà con biết cách bán”
Dự án bắt đầu từ năm 2012 đến năm 2015. Nhằm giúp bà con có chỗ buôn bán ổn định lâu dài, UBND huyện Tây Giang đã xây dựng chợ tạm cho bà con, trụ sở đặt tại thôn Agrồng, xã Atiêng – Đây cũng là điểm trung tâm huyện Tây Giang, thuận tiện cho bà con các xã về buôn bán.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông Bling Mia phấn khởi khi “chợ chiều năm ngàn” sau 5 tháng đi vào hoạt động, không một ngày bỏ phiên:
“Xuất phát từ mục tiêu bà con nhận thức tất cả sản phẩm làm ra phải mang ra chợ để giao thương, đồng thời cũng giới thiệu, quảng bá được sản phẩm nông nghiệp của mình làm ra. Qua 5 tháng hoạt động, bà con duy trì được nề nếp, sản phẩm càng ngày càng phong phú. Trước đây bà con rất ngại, nhút nhát. Bây giờ là người ta "ok" hết rồi”.



Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt bài + 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC