Ngoài làm việc ở công sở tại thành phố Buôn Ma Thuột, chị H'Nec ÊNuôl, buôn Alê B, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk thường xuyên đăng bán sầu riêng vườn nhà trên trang Facebook cá nhân của mình.
Cách đây 3 tuần, khi sầu riêng vào vụ, chị bán với giá 15.000 - 30000 đồng/kg tùy loại. Sau đó, covid 19 phức tạp, Buôn Ma Thuột áp dụng chỉ thị 16, việc tiêu thụ sầu riêng khó khăn, chị đành bán cho thương lái với giá 7000 đồng/1kg.
Chị H'Nêc cho biết, những lời than của nông dân về hàng tấn sầu riêng đã bị đổ cho heo ăn là có thật. Gia đình nhà chồng Hnec ở huyện Cư Kuin, 1 địa phương khác ở Đắk Lắk giãn cách theo chỉ thị 16, đang có nguy cơ mất trắng vụ thu hoạch, dù sầu riêng rất được mùa.
"Ở Chư Kuin, nguyên vườn sầu riêng mấy hecta của bên nội, đâu có ai thu mua đâu. Không bán được vì ở khu vực phong tỏa đó, cho nên là phải bỏ cho heo. Còn hạt thì phơi để bán cho người khi làm cây giống. Cả buôn Jung A, Jung B, xã Ea K’Ttuar, nhà nội có 6,5ha, là huyện phong tỏa không cho vào không cho ra nên không bán được. Nên là cứ cho heo ăn".
Cảnh mua bán sầu riêng tấp nập ở Krông Păk, Đăk Lăk khi chưa bị ảnh hưởng Covid-19
Đăk Lăk hiện có gần 10 nghìn héc ta sầu riêng. Sản lượng năm ngoái đạt gần 70 nghìn tấn. Vụ thu hoạch sầu riêng ở tỉnh thường bắt đầu vào tháng 7 với các loại sầu riêng giống cũ; tháng 8 với sầu riêng Ri6; cuối tháng 8, đầu tháng 9 với sầu riêng Dona và Monthon xuất khẩu.
Đợt bùng phát Covid 19 lần này đã gây khó khăn rất lớn cho nông dân có sầu riêng giống cũ vì ách tắc tiêu thụ xảy ra ngay chính vụ thu hoạch. Những nông dân trồng sầu riêng RI6, Dona, có giá trị kinh tế cao gấp đôi cũng đứng ngồi không yên bởi trái đã bắt đầu chín, rụng nhưng chưa có tín hiệu gì từ thị trường.
Ông Y HRah Ê Ban, nông dân sầu riêng ở xã Ea Tu, thành phố Buôn ma Thuột lo lắng: "Sầu riêng năm nay là khó khăn vì bữa nay vẫn chưa thấy ai hỏi mua gì hết. Đến nay vẫn chưa nghe được thông tin gì về giá".
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết, sở đã nắm được tình trạng ách tắc, không tiêu thụ được của sầu riêng tại các địa phương đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và vừa có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.
Theo đó, sở đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk hướng dẫn các sở ngành liên quan, ban hành quy trình quản lý-phòng dịch sao cho vừa chặt chẽ, vừa không cản trở hoạt động tiêu thụ sầu riêng và các mặt hàng nông sản.
Về các loại sầu riêng giá trị nhất của tỉnh, bước vào thu hoạch từ đầu tuần tới, Đăk Lăk rất có thể phải nhờ đến kết nối của nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
"Hôm qua chúng tôi đã có văn bản gửi Ủy ban, đề nghị UBND tỉnh kết nối với Bộ công thương, Bộ Thông tin truyền thông có sàn thương mại điện tử và các địa phương khác, thông tin về sản lượng và thời điểm thu hoạch của các địa phương, để có kết nối với các trung tâm tiêu thụ".
Những năm gần đây, sầu riêng và cây ăn trái nổi lên như một trụ cột mới của nông nghiệp Đăk Lăk, bên cạnh cà phê và hồ tiêu, giúp nhiều buôn làng trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid 19 cùng với những rào cản về lưu thông, trái cây của Đăk Lăk liên tiếp chịu thiệt hại lớn.
Vụ xoài hồi tháng tháng 5 vừa qua, giá trái xoài có lúc tụt xuống dưới 5000đ/1kg; không ít nông dân phải đổ bỏ vì không có kênh tiêu thụ. Nay đến sầu riêng và bơ, cũng chìm trong đại dịch.
Trong bối cảnh ấy, nông dân Đăk Lăk đang dõi theo việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hy vọng, văn bản số 1015/TTg-CN mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ngày 25/7 sẽ được các địa phương sớm thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, trong đó có trái cây và nông sản. Qua đó tháo gỡ được ách tắc đang xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho các vùng nông sản, trái cây lớn ở tỉnh.
Đình Tuấn/CQTT Tây Nguyên
Viết bình luận