Đắk Lắk làm gì để phát huy tiềm năng, lợi thế trong thực hiên đề án và đã đạt được kết quả như thế nào, nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên phỏng vấn ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk về nội dung này.
PV: Thưa ông, là một trong số những tỉnh, thành phố sớm triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh, tỉnh Đắk Lắk đã có Đề án “Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Xin ông cho biết một số nội dung chính của đề án này?
Ông Trương Hoài Anh: Ngày 9/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37 thông qua đề án “ Xây dựng đô thị thông minh - xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh có tầm nhìn đến năm 2045 ”. Nội dung chính của đề án xây dựng đô thị thông minh của tỉnh hướng tới có 8 mục tiêu chính. Trong đó, xây dựng chính quyền điện tử, an toàn thông tin và quản lý công tác quy hoạch là 3 mục tiêu lớn trong đề án này. Cùng các mục tiêu để đáp ứng cho 3 mục tiêu lớn này đó là xây dựng 5 hệ sinh thái, phục vụ cho trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh bao gồm các hệ sinh thái về: môi trường, du lịch, về giáo dục, về y tế và vấn đề giao thông. Để đạt được mục tiêu này, trong đề án cũng chỉ rõ ra 16 giải pháp cụ thể và giao nhiệm vụ cho từng cấp từng ngành để đạt được các giải pháp.
PV: Vậy, hiện nay tiến độ thực hiện đề án “ Xây dựng đô thị thông minh’ tại Đắk Lắk đã tiến hành như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Hoài Anh: Theo đề án, đang trong giai đoạn 2, đến thời điểm này cơ bản bám sát được 8 mục tiêu cũng như 16 nhiệm vụ cụ thể. Các vấn đề đặt ra cơ bản hoàn thành được 1 số nhiệm vụ. Còn 1 số nhiệm vụ vẫn đang tiếp tục củng cố nâng cấp để làm sao đáp ứng được yêu cầu của 8 mục tiêu đó. Ví dụ như hiện nay cơ sở hạ tầng các hệ thống kết nối đường truyền chuyên dụng cấp 2 của tỉnh xuống tận xã, hay đường truyền chuyên dụng cấp một nối với trung ương từng bước đã phát huy, kết nối đưa hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành về tại trung tâm. Và đã hình thành trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (gọi tắt là IOC) và thành lập được trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng (gọi là SOC).
PV: Như ông vừa mới chia sẻ, một trong những thành tựu mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được là tỉnh đã xây dựng trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, ông có thể nói rõ hơn về trung tâm này?
Ông Trương Hoài Anh: Về trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh IOC được chính thức ra mắt và thử nghiệm từ ngày 1/9/2021. Ban đầu trung tâm chọn những vấn đề cốt lõi để triển khai, với 5 dịch vụ gồm: giám sát dịch vụ công, giám sát kinh tế xã hội, phản ánh hiện trường, hệ thống camera giám sát an toàn giao thông và đảm bảo an ninh. Đến nay, trung tâm đã tăng thêm 5 dịch vụ gồm: tài nguyên môi trường, du lịch, giáo dục, y tế và dịch vụ công để đáp ứng về xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh.
PV: Vâng, có thể thấy qua hơn 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Đắk Lắk đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Đắk Lắk. Vậy thời gian tới, dịch vụ này sẽ tiếp tục được nhân rộng như thế nào thưa ông?
Ông Trương Hoài Anh: Hiện nay trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh đang triển khai 2 APP. Một APP gọi là Đắk Lắk G chủ yếu là phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ quản lý và một app phổ biến cho công dân đó là Đắk Lắk trực tuyến. Người dân vô đây có thể giải quyết dịch vụ công hoặc có thể phản ánh những bất cập trong đời sống hàng ngày đối với các cấp chính quyền. Và cũng mong muốn toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp tải và sử dụng nhiều hơn nữa ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến để làm sao đáp ứng được kỳ vọng của người dân cũng như lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với việc phát triển công nghệ thông tin trong thời gian đến.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Viết bình luận