Huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có gần 57.000 héc-ta rừng tự nhiên. Trong những năm qua chính quyền huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá những diện tích rừng có cây dược liệu để đưa vào khoanh nuôi, phát triển tạo thêm sinh kế cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết, điển hình như tại địa bàn xã Đăk Tờ Re đã tổ chức bảo vệ, khai thác cây mật nhân trong diện tích gần 100 héc-ta rừng. Có thêm lợi ích kinh tế từ cây dược liệu, người dân thêm động lực quản lý bảo vệ tốt hơn diện tích rừng được giao. Đây cũng là một giải pháp của huyện Kon Rẫy nhằm bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
“Ngoài việc hộ dân được giao quản lý bảo vệ rừng hưởng chính sách về dịch vụ môi trường rừng. Những vùng có dược liệu giao cho các hộ để quản lý bảo vệ, phát triển dược liệu dưới tán rừng tạo thêm nguồn thu nhập cho người quản lý bảo vệ rừng để thực hiện được mục tiêu đó là phát triển rừng bền vững”, ông Thủy cho biết thêm.
Được thiên nhiên ưu đãi, dưới tán rừng tự nhiên của tỉnh Kon Tum có nhiều loài thảo dược quý, như sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, ngũ vị tử, cu ly, huyết đằng… Để người dân, cộng đồng gắn bó hơn với rừng và được hưởng lợi từ rừng, các đơn vị chủ rừng ở tỉnh Kon Tum đã giao gần 139.000 héc-ta rừng cho cộng đồng, nhóm hộ và gia đình quản lý bảo vệ. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết, từ nhiều năm qua đơn vị đã giao ổn định lâu dài hơn 15.000 héc-ta rừng tự nhiên cho người dân, cộng đồng quản lý bảo vệ để phát triển dược liệu dưới tán rừng.
“Cách đây 5 năm toàn bộ rừng trong khu vực mà có thể trồng được sâm Ngọc Linh công ty giao khoán bền vững toàn bộ cho người dân, cho cộng đồng làm chủ thực sự. Người dân, cộng đồng được hưởng lợi từ tiền quản lý bảo vệ rừng tức là từ dịch vụ môi trường rừng. Hai nữa người dân được trồng dược liệu dưới tán rừng đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh”, ông Chung nói.
Hơn 2 năm qua cùng với quản lý bảo vệ rừng, người dân tỉnh Kon Tum đã khai thác được 694 tấn dược liệu tự nhiên dưới tán rừng, trong đó chủ yếu là cây cu ly và dây huyết đằng. Cùng với nguồn dược liệu tự nhiên, đến nay tỉnh Kon Tum đã mở rộng, phát triển được hơn 10.800 héc-ta cây dược liệu, trong đó có hơn 2.400 héc-ta cây sâm Ngọc Linh. Điều đặc biệt là nhiều loại cây dược liệu của tỉnh Kon Tum được trồng và chỉ sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên, điển hình như cây sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử… Chị Y Hlạng, làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, cho biết, nhờ trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây dưới tán rừng, người dân có thu nhập vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ rừng.
“Nói chung thì ở xã Măng Ri, riêng gia đình mình cũng như người dân bây giờ được phát triển kinh tế thứ nhất về hồng đẳng sâm, một số thì có sâm Ngọc Linh. Bà con đang tập trung để bảo vệ rừng để giữ rừng để bà con trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh”, chị Y Hlạng nói.
Tại Nghị quyết số 14, ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy Kon Tum xác định: "Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế". Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, hiệu quả thực tế từ việc khoanh nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng đã khiến người dân trong huyện thay đổi cách ứng xử với rừng.
“Từ chỗ bà con lâu nay phá rừng làm nương rẫy thì bà con đã đi trồng rừng. Năm nay bà con tự bỏ tiền ra trồng 194 héc-ta. Đó là một sự thay đổi nhận thức từ phá rừng trở thành người trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng. Phương châm lâu dài để cho bà con thoát nghèo là quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch”, ông mạnh cho biết.
Có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên với hơn 550.000 héc-ta, việc tỉnh Kon Tum đẩy mạnh phát triển cây dược liệu đang mang lại lợi ích kép cho cả người dân và chính quyền vì vừa có hiệu quả kinh tế lại vừa quản lý bảo vệ được rừng. Năm vừa qua giá trị tăng thêm việc sản xuất cây dược liệu của tỉnh Kon Tum đạt 1.650 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp./.
Viết bình luận