Từng là hộ nghèo của bản, 10 nhân khẩu của gia đình anh Sùng A Sử, ở bản Căng Há, xã biên giới Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu sống dựa vào mấy sào ruộng bậc thang, thu nhập thấp và không ổn định.
Năm 2021, sau khi khi được nhận hỗ trợ một con trâu sinh sản, gia đình anh đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng dẫn và chăn nuôi đúng cách. Sau ba năm nhận hỗ trợ, trâu mẹ đã sinh được 2 con nghé, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Nhờ được hỗ trợ trâu giống, được cán bộ về bản tuyên truyền, vận động làm kinh tế vườn đồi, gia đình anh Sử đã ổn định cuộc sống và có thêm tích lũy để đầu tư vào phát triển sản xuất, mở rộng diện tích canh tác. Giờ đây gia đình anh không chỉ thoát được nghèo mà còn sửa chữa được nhà cửa khang trang hơn.
Anh Sùng A Sử chia sẻ: "Gia đình tôi đã được sự hỗ trợ của Nhà nước, mua trâu sinh sản, gia đình tôi cũng được hỗ trợ hơn 18 triệu đồng. Tôi đã dùng tiền đi mua trâu về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, hiện nay, gia đình tôi đã có 2 con, nâng tổng số đàn trâu của gia đình lên 3 con. Tôi rất là cám ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ để gia đình vươn lên thoát nghèo."
Các nguồn vốn từ các chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn huyện Phong Thổ, được lãnh đạo địa phương khẳng định đảm bảo theo nguyên tắc dân chủ, công khai, đầu tư đúng và trúng đối tượng.
Đây là nguồn động lực lớn giúp các hộ nghèo trên địa bàn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Từ đó tạo ra những bước đột phá về phát triển sản xuất nông nghiệp; trong đó việc hình thành các hợp tác xã hoạt động theo mô hình sản xuất liên kết đã mở ra cơ hội cho người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản có giá trị cao hơn.
Đóng góp vào sự phát triển bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phong Thổ, có công lớn của lực lượng già làng, trưởng bản, người có uy tín. Họ luôn là người đi đầu, tiên phong trong các hoạt động ở địa phương, nhất là phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xóa đói giảm nghèo.
Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Đội ngũ người uy tín trên địa bàn huyện Phong Thổ đã phát huy vai trò của người uy tín là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân với chính quyền. Bởi người uy tín trên địa bàn được lựa chọn cũng là những người có kinh nghiệm và am hiểu về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và ngôn ngữ. Cho nên họ cũng đã phát huy được vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, chấp hành pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều người có uy tín đã là tấm gương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới".
Với đặc thù là huyện biên giới, nhiều năm qua huyện Mường Tè gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông và điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ sản xuất như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình nông thôn mới đã giúp nhiều gia đình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Điển hình là những mô hình chăn nuôi bò, trâu sinh sản, hay trồng các loại cây dược liệu, rừng sản xuất, cây ăn quả mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia, nước sạch và trường học đã giúp nâng cao chất lượng sống của người dân; giúp trẻ em được học tập trong môi trường khang trang hơn. Các chính sách này cũng góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã từng bước thoát khỏi những khó khăn, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho người dân, nhất là đồng bào sinh sống ở khu vực biên giới.
"Sau khi chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai, bước đầu khẳng định là đã thấy rõ được hiệu quả. Vấn đề hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển, việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông, lâm nghiệp được bố trí các nguồn vốn sinh kế để cho đồng bào được trực tiếp hưởng lợi. Bà con được hỗ trợ cây, con giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư đã được tập trung giải quyết cho các vấn đề an sinh, xã hội trên địa bàn." - Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và văn bản hướng dẫn của UBDT Trung ương, từ năm 2020 đến nay, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành nhiều nghị quyết về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc về chương trình mục tiêu quốc gia, HĐND và UBND tỉnh Lai Châu cũng ban hành hơn 100 nghị quyết, kế hoạch, quyết định và triển khai thực hiện 6 đề án tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng nguồn vốn hơn 220 tỷ đồng.
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, giai đoạn từ năm 2020 đến nay tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,9%/năm, riêng các huyện nghèo đã giảm 5,7%/năm, nâng mức thu nhập của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 lên hơn 18 triệu đồng/người/năm. Đây là tiền đề, động lực để địa phương tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả các chính dân dân tộc, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung tham mưu để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về công tác truyền thông, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; phát huy dân chủ, đoàn kết, tự lực vươn lên của đồng bào. Huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hiệu quả các chương trình chính sách đang được triển khai trên địa bàn".
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu có nhiều đổi thay không chỉ là kết quả từ các chính sách phát triển kinh tế, mà còn là minh chứng cho sức mạnh cộng đồng và khát vọng vươn lên của mỗi người dân. Từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, Lai Châu đang tạo dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững. Từ đó từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030./.
Viết bình luận