Hỗ trợ phụ nữ nông thôn Đắk Lắk tiếp cận nước sạch và vệ sinh
Thứ bảy, 08:11, 07/09/2024 H Xíu/VOV Tây Nguyên H Xíu/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Ngày 6/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn”.

Theo thông tin hội thảo, để hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam cùng với chuyên gia của UNICEF đang hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xóa bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024-2026”. Trong đó, tập trung thành lập các mô hình “Vệ sinh cho mọi nhà” tại 15 xã thuộc 2 huyện Ea H’Leo và M’Drắk. Tổ chức tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực, trang bị kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, các mẫu nhà vệ sinh đạt chuẩn cho hội viên phụ nữ. Phấn đấu đến hết năm 2026 vận động được 3.700 hộ gia đình xây nhà tiêu, lắp đặt thiết bị chứa nước hợp vệ sinh, trong đó có 1.000 hộ được hỗ trợ kinh phí trực tiếp.

Các đại biểu đã thảo luận, góp ý để hoàn thiện đề án, nâng cao tính khả thi và hiệu quả, phù hợp với thực tế tại địa phương. Khi dự án được phê duyệt triển khai sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho phụ nữ địa phương. Bà Đặng Thị Bích Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện M’Drắk đánh giá: “Cấp thiết nhất là nâng cao năng lực, tập huấn sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, phân loại sử dụng rác thải ngay tại địa phương. Dành các nguồn lực đưa về địa phương, để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, có các bồn chứa nước hoặc dụng cụ chứa nước để chứa nước hợp vệ sinh để sử dụng; xây dựng các nhà hoặc bể chứa nước công cộng để các hộ gia đình có nước sử dụng đảm bảo, hợp vệ sinh”.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện đề án, như lồng ghép các nguồn lực cùng mục tiêu của các chương trình, dự án đang được triển khai; triển khai đồng bộ trong đầu tư, nâng cấp và sửa chữa, ưu tiên các công trình cấp nước đang hoạt động để tránh lãng phí.

Ông Muthu Maharajan, Trưởng Chương trình vì sự sống còn, phát triển trẻ em và Môi trường của UNICEF tại Việt Nam bày tỏ: “Kinh nghiệm có thể áp dụng ngay là gợi ý từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đó là gắn nước sạch và vệ sinh vào việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Bởi vì chúng ta đã có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nên khi gắn vào thì tỉ lệ tiếp cận sẽ ngày càng tăng. Đồng thời với mục đích tiếp cận là 3.700 hộ gia đình, khoảng 30% tổng số hộ gia đình ở 15 xã này có thể tiếp cận được, thì đây là phương án rất tốt và tôi mong rằng với những kinh nghiệm này thì có thể nhân rộng ra toàn tỉnh Đắk Lắk”.

H Xíu/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC