Hướng đi cho huyện nghèo nhất nước Kỳ Sơn
Thứ ba, 11:06, 04/01/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4.VN – Là một 1 trong những huyện nghèo nhất cả nước, hơn lúc nào hết, huyện biên giới Kỳ Sơn cần một giải pháp phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo theo hướng bền vững- ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn.

 

Phóng viên VOV: Thưa ông, Kỳ Sơn lâu nay được biết đến là huyện nghèo nhất nước. Điều này đặt ra trách nhiệm cho người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Nhiệm vụ này được thực hiện thế nào trong năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2021-2025?

- Ông Nguyễn Hữu Minh: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ của Kỳ Sơn là 42,2% và nếu theo tín chí mới thì tăng lên đến 60%. Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025 xác định 3 khâu đột phá, trong đó có một khâu rất quan trọng là phát triển kinh tế rừng, gắn với vấn đề giao đất giao rừng cho người dân, vì hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 172.000 héc ta rừng phòng hộ đang quản lý (chiếm đến 80%); diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 91%, người dân chỉ quản lý khoảng 9%, do đó người dân thiếu đất sản xuất.

Xác định đột phá là vấn đề giao đất giao rừng. Giao đất giao rừng thì hiện nay huyện đang giao Ban Quản lý rừng phòng hộ làm các thủ tục báo cáo tỉnh trả 95.000 héc ta, như vậy bình quân một hộ gia đình sẽ được nhận khoảng 6.000 ha.

Nếu thực hiện giao đất giao rừng tốt thì gắn với dự án trồng cây dược liệu của Ủy ban Dân tộc với tổng kinh phí là 230 tỷ đồng. Đây một bước mà giúp cho nhân dân khởi sắc trong vấn đề phát triển kinh tế rừng mà đặc biệt là trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Trong dự án này người dân được hỗ trợ giống cây con, kỹ thuật và các hoạt động khác. Cây dược liệu hiện nay chưa triển khai dự án nhưng tiềm năng cây dược liệu tự nhiên cũng rất nhiều. Đây xác định là một trong những khâu đột phá, để đảm bảo cuộc sống cho người dân, xóa đói giảm nghèo cũng rất quan trọng. Kỳ Sơn hơn 99% là đồi núi 1% đồng bằng, cơ bản trên 90% rừng và đất lâm nghiệp.

Rừng được xem là tài nguyên quý giá đối với huyện biên giới Kỳ Sơn

Phóng viên VOV: Thực hiện khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, Kỳ Sơn có giải pháp gì xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân và nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, Đảng viên như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Minh: Tư tưởng trông chờ ỷ lại thì hiện nay vẫn còn tồn tại trong một số bộ phận cán bộ, Đảng viên và người dân, đấy là một vấn đề cản trở cho việc phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Việc này thì cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xoá bỏ tư tưởng này. Bởi vì không tự mình phát triển mà trông chờ kinh phí của Nhà nước thì chắc chắn rằng việc xóa nghèo rất khó khăn.

Trong ba đột phá, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, chống tư tưởng, tính dân tộc, tính dòng họ là khâu đột phá mà Đảng bộ huyện đã xác định trong giai đoạn 2021-2025. Việc này đối với đồng bào là một việc làm rất khó khăn, bởi vì tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%.

Do nhận thức, tư tưởng thì hiện nay là công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong công tác, kể cả bố trí cán bộ, các đồng chí lãnh đạo huyện, Ban Thường vụ cũng tập trung chỉ đạo. Phải tìm được người có tài, có đức, có tâm, có tầm, để bố trí các vị trí lãnh đạo để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Kỳ Sơn là một trong những huyện 30a, huyện nghèo cả nước đang cần sự trợ giúp của Nhà nước. Chúng tôi phấn đấu để đưa Kỳ Sơn sớm thoát nghèo một cách tốt nhất, sớm nhất.

Phóng viên VOV: Nếu chỉ nhìn vào nội lực thì rõ ràng Kỳ Sơn rất khó bứt phá một cách bền vững. Vậy việc thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án chiến lược được huyện quan tâm thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Minh: Hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thu Ngân sách tỉnh giao khoảng hơn 16 tỷ đồng, trong khi chi thường xuyên cho các lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn theo chế độ Nhà nước thì trên 700 tỷ đồng. Như vậy là ngân sách mà đảm bảo cho Kỳ Sơn cơ bản là Nhà nước.

Trước tình hình đó, để mà phát triển kinh tế, xóa nghèo của huyện Kỳ Sơn điều quan trọng đó là vấn đề tiếp tục thu hút nguồn lực. Thu hút các nhà đầu tư, các dự án, xây dựng các dự án để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư cũng như là các dự án của các tổ chức, cá nhân. Lâu nay huyện Kỳ Sơn đang kêu gọi mà đang thực hiện.

Thứ nhất là xây dựng khu vực Na Ngoi thành khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; rồi du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, cùng với đó là phát triển trang trại, gia trại vùng này. Vùng này là một trong vùng được xác định là có tiềm năng khí hậu rất tốt và đất đai màu mỡ và khi khí hậu thì cũng ứng như Sa Pa thứ hai. 

Vùng thứ hai là tại Mường Lống cũng có khí hậu giống như Na Ngoi, chúng tôi xác đình để phát triển dược liệu cũng như du lịch cộng đồng. Khu vực thứ 3 là tại Mỹ Lý cũng xác định khu vực phát triển du lịch cộng đồng tại Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn.

Khu vực thứ 4 là khu vực Tây Sơn cũng có khí hậu tương đồng, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo để phát triển các mô hình phát triển kinh tế; khu vực xã Châu Lưu thì huyện chỉ đạo để phát triển mặt bằng, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, ngoài việc phát triển kinh tế của các hộ gia đình, huyện Kỳ Sơn tập trung thu hút các nguồn đầu tư, bởi vì muốn phát triển kinh tế thì có sự đồng hành của các doanh nghiệp và sản xuất ra sản phẩm có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đó, tìm đầu ra cho người dân. Muốn phát triển kinh tế mà không bao tiêu được sản phẩm người dân cũng sẽ bỏ.

Lâu nay đường xá, giao thông khó khăn, trong thời gian vừa qua được Đảng, Nhà nước quan tâm thì đường xá giao thông được đầu tư. Do vậy, với việc thu hút đầu tư để bao tiêu sản phẩm người dân sản xuất ra thì đó là góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Phóng viên VOV: Xin cảm ơn ông!

 

Trần Sỹ Đức/VOV1

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC