Huyện miền núi Mường Nhé thiếu nhiều giáo viên
Thứ tư, 00:00, 09/11/2016

(VOV) - Đã đến giữa học kỳ 1, huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên.

 

Điểm trường Mường Toong 5, trường tiểu học xã Mường Toong nằm chênh vênh trên đỉnh núi, với một lớp ghép và một lớp học mầm non. Vì thiếu giáo viên nên các em học sinh lớp một và lớp hai phải học ghép trong một lớp do cô giáo Nguyễn Thị Trang đứng lớp. Theo cô Trang, dạy lớp ghép khiến cô giáo gặp nhiều khó khăn bởi mỗi ngày cô phải soạn 2 giáo án, dạy cho 2 trình độ.

 

Lớp ghép tại điểm trường Mường Toong 5

 

Điểm trường Mường Toong 5 chỉ là một trong nhiều điểm trường thiếu giáo viên và phải dạy các lớp ghép ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Theo cô giáo Lê Thị Hồng, hiệu trưởng trường tiểu học Mường Toong, năm học này, trường còn thiếu 11 giáo viên so với quy định và còn đến 9 lớp ghép:

 

“Nhà trường quản lý vùng rất rộng, với 1 điểm trường trung tâm và 14 điểm trường lẻ. Việc thiếu giáo viên như này ảnh hường rất nhiều đến công tác giảng dạy cũng như việc nâng cao chất lượng và công tác chăm sóc cho học sinh bán trú. Khi mà đưa học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 tại các điểm bản về trung tâm, các cháu ăn, ngủ, nghỉ tại trường, nên ưu tiên điểm trường trung tâm sẽ được bố trí đầy đủ 1,5 giáo viên/lớp. Những điểm trường lẻ còn lại, do thiếu giáo viên, nhà trường bố trí học sinh học 5 buổi/tuần, và các thầy cô cũng phụ đạo cho học sinh ở các điểm trường lẻ 3 buổi/tuần”.

 

Năm học này, huyện Mường Nhé có 38 trường, trên  630  lớp, gần 14.000  học sinh, trong đó có 23 trường bán trú với trên 5.700 học sinh. Huyện đang thiếu gần 240 giáo viên các cấp học, riêng cấp mầm non thiếu 134 giáo viên, tiểu học gần 60 và THCS thiếu hơn 40 giáo viên. Nhiều trường chưa có nhân viên nấu ăn cho học sinh bán trú nên phải sử dụng đội ngũ giáo viên trống tiết, hoặc nhân viên khác để thực hiện nhiệm vụ. 

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khắc phục bằng cách bố trí, sắp xếp tương đối đồng đều giữa các đơn vị trường, tránh trường thiếu nhiều, trường thiếu ít; tham mưu cho UBND huyện và cấp trên phân bổ thêm kinh phí để bố trí đủ giáo viên tại các điểm trường. Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, cho biết:

 

“Huyện đã cho chủ trương tiếp tục cân đối các nguồn chi thường xuyên hằng năm được giao theo ngân sách để hợp đồng giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Biên chế nghỉ hưu hoặc chuyển vùng thì chúng tôi tuyển bổ sung để đỡ thiếu giáo viên. Cần bổ sung biên chế cho chúng tôi bởi ở đây không có thầy cô giáo thì chúng tôi cũng không mở lớp được”.

 

 

 

Thào Ly/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC