Khai thác hiệu quả du lịch miền núi Quảng Trị
Chủ nhật, 09:28, 09/06/2024 Thu Hoà VOV4 Thu Hoà VOV4
VOV4.VOV.VN: Vùng miền núi phía Tây Quảng Trị có hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan phong phú, đa dạng, là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có sức thu hút du khách. Để khai thác tiềm năng này, nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã được đào tạo làm du lịch, qua đó, đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

          

Nằm ở dãy Trường Sơn, giáp biên giới Việt Lào, huyện miền núi Hướng Hoá- tỉnh Quảng Trị sở hữu hệ thống núi rừng hùng vĩ và sông suối, thác hồ đa dạng và phong phú, với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc anh em Kinh, Vân Kiều và Pa Cô. Đây cũng là vùng rất phong phú về văn hóa, mang đậm đà bản sắc địa phương, chính là những lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

  • Du lịch cộng đồng phát triển ở Hướng Hoá

           Từ trung tâm huyện Hướng Hoá, di chuyển khoảng 30 km sẽ tới thôn Chênh Vênh. Nằm trong địa phận của thôn, thác Chênh Vênh là lựa chọn lý tưởng của nhiều du khách vào những ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ lễ. Bà Lê Thị Trị, khách du lịch chia sẻ: “Nói về thác thì thách Chênh Vênh này là đẹp nhất, nguồn nước trong sạch vì nó lấy nước từ nguồn về. Tôi đến đây cảm nhận rất thoải mái, không khí trong lành, chắc chắn sau lần đi này thì tôi về Tp Hồ Chí Minh, tôi sẽ giới thiệu, rủ bạn bè có 1 chuyến quay trở lại đây”.

           Thôn Chênh Vênh là nơi sinh sống của 130 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều. Với những tiềm năng về cảnh quan và phong tục văn hóa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện xây dựng mô hình Homestay đầu tiên tại xóm R’vây của thôn Chênh Vênh, với sự tham gia của 6 hộ dân, cung cấp cho du khách dịch vụ lưu trú, thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm văn hóa đồng bào. Gia đình chị Hồ Thị Hui, ở xã Hướng Phùng, lâu nay chỉ biết lên rẫy làm nương, nay bữa no, mai bữa đói. Từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, cuộc sống đã có nhiều đổi thay tích cực. “Tôi rất thích làm du lịch cộng đồng, vì trước chỉ làm rẫy làm nương, bữa ni có thêm du lịch cộng đồng nữa thì có thể kiếm thêm, một ngày tôi cũng thu được 700 ngàn đồng”. Chị Hui chia sẻ.

           Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Chênh Vênh là một trong những dự án du lịch cộng đồng được thí điểm triển khai đầu tiên, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hướng Hoá. Theo ông Đặng Trọng Vân, chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, “hiện nay trên địa bàn của huyện có nhiều điểm phát triển du lịch cộng đồng nhưng mới mang tính chất tự phát, huyện cũng hỗ trợ tạo điều kiện mọi mặt để cho các điểm này phát triển, cũng là để bảo tồn phát triển văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Sắp tới, chúng tôi tập trung hỗ trợ tạo hành lang pháp lý cũng như hướng dẫn, tập huấn cho cả người dân và những tổ chức, cá nhân tham gia du lịch cộng đồng này”.

            Trong thời gian tới, loại hình du lịch cộng đồng sẽ được tạo điều kiện phát triển hiệu quả, bài bản hơn. Hướng Hóa hướng tới trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, chứ không chỉ là trạm dừng chân trung chuyển ở khu vực miền Trung.

  • Làm du lịch từ việc bảo tồn văn hoá

           Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị luôn được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Từ đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

          Đã 86 tuổi và là người hiếm hoi ở huyện miền núi Hướng Hoá biết thổi kèn bè, đánh cồng chiêng bài bản, tuy đã già yếu, nhưng nghệ nhân Hồ Cu Chảnh ở xã Lìa vẫn miệt mài truyền dạy cho con cháu.Thế hệ như ông Chảnh và rất nhiều nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số khác, trăn trở lớn nhất là làm thế nào để vừa bảo tồn bản sắc dân tộc mình, vừa phải đi tìm những hạt nhân mới để kế tục. Nghệ nhân Hồ Cu Chảnh chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng phát huy và truyền dạy lại cho con cháu mình để không bị mai một, nhiều vốn quý của dân tộc như đan lát, cồng chiêng, người già như tôi phải gương mẫu cho con cháu của mình, để bảo tồn phong tục tập quán”.

           Theo Hồ Thị Hương, Phó bí thư Đoàn xã Lìa, huyện Hướng Hoá, “tiếp nối những nét đẹp văn hóa cổ thì các ông bà là người chỉ dạy từng tí từng tí cho con cháu, phát huy thêm những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô”.

            Thực tế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào thiểu số gắn với việc ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu góp phần phát triển du lịch, cải thiện đời sống cho người dân. Dù vậy, việc huy động nguồn lực để bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã khó, việc kết nối các điểm du lịch, đầu tư xây dựng, quảng bá sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Hồ Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Trị, “hiện tỉnh đang tập trung triển khai Nghị quyết 12 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Sở sẽ hướng dẫn UBND huyện lựa chọn các mô hình tiêu biểu để chỉ đạo, định hướng đầy đủ các điều kiện để thụ hưởng chính sách này, đồng thời chúng tôi xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng để định hướng cho người dân phát triển bền vững du lịch trên địa bàn huyện”.

           Việc gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số với việc khai thác, phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ trọng tâm của mỗi địa phương. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các tỉnh như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, nhằm tạo hiệu ứng lan truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch về điểm đến của các địa phương.

  • Tiềm năng cần được đánh thức

           Mặc dù có tiềm năng, lợi thế du lịch, nhưng nhiều năm qua, phát triển du lịch ở phía Tây tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được như kỳ vọng. Các điểm tham quan, lưu trú, chưa đồng bộ; tour, tuyến du lịch còn thiếu sự gắn kết; công tác xúc tiến, quảng bá chưa được quan tâm đúng mức… chính là những điểm nghẽn khiến du lịch miền Tây Quảng Trị chưa thể khai thác hết tiềm năng. Để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, du lịch miền Tây Quảng Trị cần được quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện với những giải pháp đồng bộ.

           Hướng Hoá từ lâu đã nổi tiếng với những địa danh lịch sử như sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, thác Tà Puồng hay những vườn hoa nhuộm tím các vườn đồi. Dù cảnh quan hùng vĩ, hạ tầng giao thông đã được đầu tư, các điểm du lịch này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Anh Hồ Văn Rô- thôn Trăng Tà Puồng- xã Hướng Lập chia sẻ rằng: “ở địa phương chúng tôi có rất nhiều cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, du khách đến đây chủ yếu là đi chơi trong ngày, mong muốn của bà con là rất mong được các nhà đầu tư các hạng mục, để thu hút khách nhiều hơn, các nhà nghỉ dưỡng, để tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương”. Lượng khách đến Hướng Hoá hiện vẫn còn ít, chủ yếu là khách địa phương. Việc thu hút nhà đầu tư xứng tầm đến với quần thể danh thắng chưa có, đồng nghĩa với việc khai thác điểm du lịch này chỉ dừng ở tiềm năng. Bà Hồ Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết: “Ở đây chủ yếu là người dân các tổ du lịch tự phát, chưa có sự đầu tư của các ban, ngành, địa phương, trong thời gian tới cũng rất mong muốn có sự đầu tư của các sở, ban, ngành, kêu gọi để mà điểm du lịch của xã Hướng Việt được đầu tư phát triển”.

           Với vị trí chiến lược quan trọng, các huyện phía tây của tỉnh Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Hành lang kinh tế Đông Tây bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chạy dọc theo quốc lộ 9, kết nối với quốc lộ 1A và kết thúc tại cảng biển Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Xét về tài nguyên du lịch tại các địa phương mà tuyến đường chạy qua, địa bàn này có nhiều mặt lợi thế bởi sự đa dạng về văn hóa bản địa cũng như khí hậu sinh thái. Dù vậy, do tour tuyến du lịch còn thiếu sự gắn kết nên lượng du khách dừng chân tham quan ở đây chưa đáng kể. Anh Trần Văn Nhất, công ty Bến Hải Tourist- Quảng Trị cho biết: “Với 1 người làm du lịch thì tôi nhận thấy miền tây Quảng Trị rất tốt nhưng còn mang tính chất manh nha và sơ khai ban đầu, và chủ yếu là do dân địa phương, người ta tự phát và làm. Sự kết nối giữa bên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn khó khăn, thiếu kinh phí cho nên chưa được đồng bộ và thống nhất, hy vọng một thời gian tới, cơ sở vật chất tốt hơn thì sự phát triển của miền tây mới tốt hơn”.

           Để du lịch phía Tây Quảng Trị phát triển xứng đáng với tiềm năng, đã có rất nhiều ý tưởng trăn trở của người làm du lịch. Trong đó, những vướng mắc liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng trong vấn đề quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển du lịch, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao thông kết nối các điểm tham quan… bài toán khó này đang đặt ra cho địa phương phải khẩn trương tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân: “Địa phương cũng mong quý các cấp xem xét tạo điều kiện để hoàn thành các thủ tục, các mô hình này hoạt động nhằm quảng bá các hình ảnh tốt đẹp của địa phương, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng mà hiện nay đang triển khai”.

           Sự kỳ vọng vào phát triển du lịch miền Tây Quảng Trị không phải không có cơ sở, bởi ở đây có tiềm năng để phát triển vô cùng phong phú và du lịch trải nghiệm, khám phá đang được xác định là xu thế được yêu thích của nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, dẫn đến tiềm năng du lịch miền Tây Quảng Trị vẫn chưa phát triển xứng tầm. 

         Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng tổng doanh thu xã hội về du lịch ước đạt gần 2000 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch không chỉ giúp Quảng Trị khai thác tốt tiềm năng của địa phương mà còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh./.

Thu Hoà VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC