Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, hàng trăm lao động ở miền núi tỉnh Khánh Hòa tập trung về Cụm Công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh để tham gia Phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức. Đây là cụm công nghiệp đầu tiên ở vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa. Các doanh nghiệp vừa xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp này đang tuyển dụng lao động. Trước đây, mỗi ngày người lao động huyện Khánh Vĩnh phải đi từ 30- 50km để làm việc tại các doanh nghiệp ở địa phương khác.
Gia đình chị Lý Thị Nguyệt, dân tộc Nùng, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh thuộc hộ cận nghèo. Chị Lý Thị Nguyệt cho biết, nhà tôi không có đất sản xuất, chỉ mượn đất ruộng của ông bà để làm thôi nhưng khó khăn nước không có, phân bón thì nhiều tiền. Nhà cửa chưa ổn định. Con cái lại đang đi học. Không có việc làm nên tôi chỉ mong muốn có việc làm ổn định, lương tháng ổn định để phụ giúp cho gia đình.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 50 ngàn đồng bào dân tộc ở 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Gần một nửa số hộ dân ở 2 địa phương này thuộc diện hộ nghèo. Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn vì nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm.
Năm 2020, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đầu tư Cụm Công nghiệp Sông Cầu tại huyện Khánh Vĩnh, nằm sát Quốc lộ 27C, nối với tỉnh Lâm Đồng. Cụm công nghiệp có diện tích hơn 40 héc ta, bố trí cho gần 30 doanh nghiệp. Đến nay, đã có 5 nhà đầu tư thứ cấp thuê 18,2 héc ta đất để xây dựng nhà máy, xí nghiệp thuộc các lĩnh vực như nước giải khát, công nghệ thực phẩm, viên nén gỗ…
Ông Nguyễn Khoa Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần nước giải khát Yến sào Khánh Hòa, đơn vị chủ đầu tư Cụm công nghiệp này cho biết, Cụm Công nghiệp Sông Cầu rất thuận lợi vì gần thành phố Nha Trang và Quốc lộ, thuận tiện giao hàng hóa đi các tỉnh, đưa người lao động đi làm việc. Hệ thống hạ tầng cơ sở cũng có các chính sách để hỗ trợ các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp. Giá thuê đất so sánh ra thì đã giảm một nửa, tạo điều kiện thuận lợi về chi phí đầu tư.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp với phiên giao dịch việc làm vừa diễn ra ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, 10 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 1.000 lao động, 5 doanh nghiệp khác đăng ký tuyển dụng 350 lao động đưa đi nước ngoài làm việc. Một số lao động người dân tộc thiểu số đã được tuyển dụng vào làm việc tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu.
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, huyện Khánh Vĩnh ra khỏi danh sách huyện nghèo. Vì thế, những phiên giao dịch lao động, việc làm tổ chức ngay tại địa phương sẽ tạo cơ hội cho người lao động lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần ổn định đời sống người dân.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc kết nối lao động rất quan trọng là động lực để phát triển kinh tế, xã hội của huyện Khánh Vĩnh. Nòng cốt là giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, tạo thu nhập cho người lao động và từ đó giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Khánh Vĩnh.
Khánh Hòa cũng đang tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại khu vực miền núi, góp phần giảm nghèo bền vững 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh./.
Thái Bình/VOV Miền Trung
Viết bình luận