Huyện miền núi Khánh Vĩnh là vùng trồng bưởi da xanh lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Với diện tích hơn 600 ha, năng suất bình quân 8 tấn/ha, mỗi năm huyện miền núi này cung cấp thị trường khoảng 4.000 tấn bưởi da xanh. “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân miền núi.
Đặc biệt, tại huyện Khánh Vĩnh đã hình thành nhiều hợp tác xã trồng bưởi với sự tham gia của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là Hợp tác xã sản xuất, thu mua nông sản Hiệu Linh, xã Khánh Thành, với 14 thành viên, trong đó, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Hợp tác xã còn liên kết với hơn 20 hộ trồng bưởi trên địa bàn. Toàn Hợp tác xã đã có 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt 3 sao OCOP, mỗi năm cho ra thị trường hàng trăm tấn bưởi chất lượng cao. Hợp tác xã tiên phong trong áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất bưởi, lan tỏa cách làm ấy đến các hộ nông dân lân cận bằng cách cung cấp cây giống, vật tư, quy trình canh tác đạt chuẩn và thu mua toàn bộ sản phẩm bưởi cho người dân.
Ông Đoàn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Hiệu Linh, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Bà con đồng bào dân tộc thiểu số tin mình nhất vì mình đã làm trước rồi, thực tế bưởi của mình đẹp, từ chỗ đó, mình chỉ dẫn kỹ thuật nên bà con mới tin tưởng. Các nơi về chỉ dẫn nhưng bà con không tin vì chưa nhìn thấy. Đã làm được sản phẩm như này và mình chỉ dẫn tận nơi, đến từng nhà, chỉ từng nơi một. Bà con làm theo như mình giá sản phẩm tăng lên so với trước kia bà con tự làm từ 5.000-7.000 đ/kg”.
Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa với khí hậu mát mẻ, có lợi thế lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có gần 5.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi vườn tạp sang các loại cây ăn quả có giá trị cao. Đến nay, địa bàn đã có hơn 3.300 héc ta sầu riêng, bưởi, chôm chôm, măng cụt… Toàn huyện đã có 15 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 430 héc ta sầu riêng được cấp. Trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 33 sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho hay: “Phát triển đảm bảo gắn liền bản sắc văn hóa Khánh Sơn và sinh kế cho người dân. Hiện nay, huyện Khánh Sơn đang chuyển đổi mạnh mẽ giống cây trồng, xóa bỏ cây trồng giá trị thấp, đặc biệt hướng đến cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, sẽ có kết nối cung cầu từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn”.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 81 liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp duy trì hoạt động; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, từng bước mang lại hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Gần đây đã thành lập được nhiều Hợp tác xã, chuỗi liên kết tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như: Bưởi da xanh, sầu riêng, lúa, chăn nuôi heo, gà...
Ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: ‘Liên kết với nhau về mặt sản lượng, ví dụ như có doanh nghiệp có nhu cầu mua khối lượng sản phẩm lớn thì một hộ không thể giải quyết vấn đề đó. Nếu như nhiều hộ nông dân vô hợp tác xã, có pháp nhân, doanh nghiệp dễ dàng cho việc tiếp cận với bà con. Hợp tác xã còn giúp đầu vào, cây giống, kỹ thuật canh tác”.
Nghị quyết 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các địa phương miền núi đã đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, số hộ nghèo tại miền núi đã giảm rất nhanh, đến cuối năm 2024, hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cơ bản thoát khỏi huyện nghèo./.
Viết bình luận