Bản Tân Hợi, xã An Thắng, huyện Pác Nặm có hơn 90% số hộ gia đình là người Mông và cũng là bản có công tác phát triển đảng tốt nhất trong toàn xã. Năm vừa qua, Tân Hợi kết nạp được 2 đảng viên và giới thiệu được 4 quần chúng ưu tú cho Đảng. Hiện chi bộ thôn Tân Hợi có 16 đảng viên, trong đó 2/3 là người dân tộc Mông.
Bí thư Chi bộ thôn Tân Hợi - Lý Văn Sự cho biết: “Đầu tiên các đảng viên phải gương mẫu, đi đầu như cày ải, trồng ngô, làm nương, làm rẫy là phải làm trước bà con làm theo, có như vậy bà con mới tin tưởng. Ở đây vùng sâu, xa, một số người ít kinh nghiệm và trình độ học vấn còn chưa cao nên có tư tưởng không muốn vào Đảng. Do đó, Chi ủy phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động như nói với họ là khi vào đảng, anh chị đi đâu, làm gì, kể cả đi xin việc ở các công ty cũng dễ hơn vì xét hồ sơ mình là đảng viên, có trong sạch, lý lịch tốt thì mới được vào đảng. Phải nói rõ cho quần chúng nhân dân, thanh niên là vào đảng có lợi gì, vào như thế nào”.
Nếu như năm 2015, Pác Nặm vẫn còn tới 26 chi bộ thôn bản sinh hoạt ghép, trong đó có không ít chi bộ ghép của 3 thôn bản thì đến nay, cả huyện chỉ còn 8 chi bộ sinh hoạt ghép và không xảy ra tình trạng “tái trắng” đảng viên. Toàn đảng bộ hiện có trên 2.800 đảng viên, phần lớn đều là đảng viên người DTTS.
Bà Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Pác Nặm là huyện vùng cao, khó khăn với tỉ lệ hộ nghèo cao. Rất nhiều người trong độ tuổi lao động, thanh niên đã rời bản đi làm ăn xa nên công tác phát triển đảng gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, ngoài việc đưa đảng viên là cán bộ xã, giáo viên về sinh hoạt chi bộ cùng các thôn bản thì việc phát triển đảng từ nguồn tại chỗ luôn được ưu tiên hàng đầu.
"Trên địa bàn huyện hiện nay thì cũng có những khó khăn nhất định trong việc tạo nguồn. Vì thế mà chúng tôi sẽ chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, đặc biệt là nguồn đảng viên dân tộc thiểu số. Đồng thời giao nhiệm vụ hết sức cụ thể cho các địa phương, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể góp phần giáo dục, rèn luyện, tạo môi trường cho quần chúng được rèn luyện và đảm bảo bảo đủ tiêu chuẩn. Chúng tôi sẽ để tiếp tục có những sự đổi mới, cải tiến trong việc hướng dẫn quần chúng thực hiện quy trình, hồ sơ kết nạp Đảng, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quần chúng, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số đảm bảo hồ sơ theo quy định" - Bà Ma Thị Mận cho biết thêm.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu “Phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 1.000 đảng viên trở lên”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đảng bộ trực thuộc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng. Cùng với đó là tập trung rà soát nguồn kết nạp đảng viên, chú trọng các đối tượng là trưởng thôn bản, người có uy tín, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội thôn, bộ đội xuất ngũ… phân công các đồng chí đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã về sinh hoạt đảng tại các chi bộ khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng... Nhờ đó, số đảng viên mới kết nạp của Bắc Kạn hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2023, trong số hơn 1.000 đảng viên được kết nạp, có 912 đảng viên là người DTTS. Hiện Bắc Kạn chỉ còn 20 chi bộ ghép thôn bản, chủ yếu là những cụm dân cư nhỏ ở vùng sâu, vùng xa và nguy cơ “tái trắng” đảng viên đã được ngăn chặn.
“Nguy cơ tái ghép chi bộ hay tái trắng đảng viên, nếu kết nạp đảng mà ta chỉ lựa chọn lực lượng trẻ thôi thì đây sẽ là nguy cơ lớn. Do đó, tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo với các thôn bản có đông đồng bào Mông, Dao, Sán Chí, những dân tộc ít người ở Bắc Kạn có thể vận dụng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Ví dụ linh hoạt về trình độ, có thể họ chỉ cần tốt nghiệp cấp 2, trường hợp đặc biệt có thể chỉ cần tốt nghiệp cấp 1. Lúc đó sẽ không phải chỉ riêng là lực lượng trẻ nữa mà nòng cốt có cả người có uy tín, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể ở thôn…” - Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết thêm.
Tỉnh ủy Bắc Kạn cũng chỉ đạo Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, qua đó thu hút đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, kịp thời bồi dưỡng quần chúng ưu tú để tạo nguồn kết nạp đảng viên, khắc phục tình trạng cơ sở đảng có nguồn nhưng không kết nạp được đảng viên. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức đảng song song nhiệm vụ phát triển đảng viên cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, để mỗi chi bộ, mỗi đảng viên là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương./.
Viết bình luận