Nghĩa tình Hà Nội với nơi vùng cao, biên giới
Thứ năm, 06:36, 10/10/2024 Thu Hòa Thu Hòa
VOV4.VOV.VN - Tình yêu Hà Nội luôn cháy đỏ trong trái tim mỗi công dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Ở nơi biên giới, quân và dân cũng luôn dành cho Hà Nội những tình cảm mến thương, và bằng hành động thiết thực, người Hà Nội cũng hướng về vùng cao biên giới tình cảm sẻ chia ấm áp, nhất là sau những đợt thiên tai bão lũ, dịch bệnh, những khi khó khăn hoạn nạn....(Chương trình phát thanh ngày 9/10)
  • Tỏa sáng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Là trái tim của cả nước, Hà Nội luôn cùng nhịp đập với mọi người dân Việt Nam. Điều này đã là lẽ tự nhiên từ nhiều năm qua, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” ngày càng tỏa sáng. Bằng sự trợ giúp hết sức thiết thực, chân tình và nồng ấm, làm sáng lên nét đẹp nghĩa tình người Thủ đô đối với đồng bào cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Là một người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Đại tá Phó Đức Huy Hoàng- nguyên sĩ quan phòng hóa, Bộ Tư lệnh Hóa học khi trở về sinh sống tại Hà Nội vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho quân và dân nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi lần trở về chiến trường xưa, ông lại thấy rõ những đổi thay ở mảnh đất năm xưa còn tiêu điều, xa xôi, khó khăn: "Tôi có tình cảm nhất định đối với vùng biên giới nói chung và Hà Giang nói riêng, vì bố tôi đã từng công tác trên đó 10 năm, tôi sinh ra ở Hà Giang, từ đó Hà Giang đối với tôi có tình cảm đặc biệt, khi nhận công tác lên trên biên giới Hà Giang như một cái duyên, chiến đấu trong thời khắc đất nước cam go, dọc đường đi và lên đến thị xã Hà Giang (lúc đó còn là thị xã), hành quân lên đơn vị, thấy địa phương còn nghèo, đời sống đồng bào các dân tộc khó khăn. Sau này mỗi lần gặp lại thấy Hà Giang thay đổi nhiều, mong sao cho đời sống đồng bào càng ngày càng phát triển đi lên"- Đại tá Hoàng chia sẻ.

Không chỉ trong những năm tháng chiến tranh, bất cứ khi nào các tỉnh thành biên giới vùng cao gặp thiên tai, dịch bệnh cần trợ giúp, người Hà Nội lại sẵn sàng “dang rộng vòng tay”. Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", trong nhiều năm qua, thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực chi viện "chia lửa "với người dân cả nước, chung tay khắc phục khó khăn.

Còn nhớ, năm 2020, thành phố đã trích từ Quỹ “Cứu trợ phòng, chống dịch Covid-19” nhiều tỷ đồng để hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh và những tỉnh thành biên giới phía Bắc. Rồi khi bão lũ ở các tỉnh miền Trung ập đến giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid 19 đang căng thẳng, TP Hà Nội vẫn tổ chức trao hỗ trợ cho đại diện 12 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tổng số 91 tỷ đồng.

Và gần đây nhất, trước những thiệt hại nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 gây ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ra lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ”. Theo đó, trích từ “Quỹ Cứu trợ TP Hà Nội” số tiền 51 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân 11 tỉnh, thành phố xây, sửa nhà bị hư hỏng, mua cây, con giống, vật tư, phương tiện sản xuất... Nhiều cụ già tuổi cao đã ủng hộ cả tháng lương, có em nhỏ đã dùng số tiền tiết kiệm từ vẽ tranh để ủng hộ người dân bị thiệt hại do thiên tai…Sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất, làm vơi bớt những đau thương, mất mát, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân vùng bão lũ.

Đất nước ta ngày càng phát triển, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Bác Hồ, nhưng đó đây trên dải đất hình chữ S, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là những vùng đất được nhiều người dân Hà Nội luôn đau đáu muốn tương trợ.

Chúng ta không thể nào quên dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5 vừa qua, những hoạt động hướng về Điện Biên được thành phố Hà Nội thực hiện từ rất sớm với các chương trình tri ân rất thiết thực. Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Điện Biên 15 tỷ đồng xây dựng 300 ngôi nhà Đại đoàn kết; tặng chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Điện Biên kinh phí 3 tỷ đồng; tặng quà đối với 70 gia đình chính sách, 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá các suất quà là 570 triệu đồng. Đây là tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chia sẻ với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. 

Và một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên nhận được sự hỗ trợ từ Thủ đô là Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ. Ngày 25-4 vừa qua, công trình đã được khánh thành trong niềm vui hân hoan của thầy trò nhà trường và người dân địa phương.

Trường tiểu học Hà Nội- Điện Biên Phủ được xây dựng từ 40 năm trước bằng nguồn vốn xổ số kiến thiết thủ đô, nay được sửa lại hoàn toàn với kinh phí 65 tỷ đồng, cũng bằng nguồn hỗ trợ của Thủ đô Hà Nội. Mái trường mới hiện lên như một bức tranh cổ tích giữa núi rừng Điện Biên hùng vĩ, là nơi để nhiều thế hệ học sinh của tỉnh Điện Biên được hưởng nền giáo dục chất lượng. Cô giáo Lê Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội- Điện Biên Phủ không giấu nổi niềm hạnh phúc, chia sẻ: "Thầy trò nhà trường cùng phụ huynh vô cùng hạnh phúc và biết ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đã luôn quan tâm và đầu tư xây dựng một ngôi trường vô cùng khang trang".

  • Nỗi nhớ Hà Nội từ nơi biên giới

Tháng Mười về, ở nơi biên giới có những cán bộ, chiến sĩ bồi hồi nhớ cảm giác mùa thu heo may ở Hà Nội, nhớ những dòng người náo nức, đông vui trong ánh nắng, nhớ hình bóng Hồ Gươm thanh bình, trầm mặc… Với họ, mỗi lần nghĩ về Hà Nội, trong tim lại căng đầy cảm xúc tự hào, như được tiếp thêm sức mạnh để vững tay súng, giữ từng tấc đất nơi vùng biên, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân nơi hậu phương.

Nằm trong khuôn viên Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội cùng với các công trình mốc tọa độ Quốc gia GPS0001, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, công trình điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một quần thể lịch sử, tâm linh của người Việt nơi cuối trời Nam. Nơi đây cũng luôn được tỉnh Cà Mau chọn làm nơi diễn ra những sự kiện kinh tế chính trị lớn của tỉnh.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là món quà do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trao tặng tỉnh Cà Mau từ năm 2019. Con đường dẫn vào Cột cờ Hà Nội uốn lượn quanh khu rừng đước vài trăm tuổi. Giữa thênh thang nắng gió của Đất Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội vươn mình kiêu hãnh, uy nghiêm, công trình xây kiên cố, hiện đại, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội với mảnh đất cực Nam Tổ quốc nói riêng và miền Nam ruột thịt nói chung. Từ chân Cột cờ, có thể trải dài tầm mắt ngắm màu xanh bạt ngàn của rừng đước bao bọc mũi thuyền Tổ quốc thân yêu. Thiếu tá Phạm Nam Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi tự hào cho biết: "Cột cờ Hà Nội được xây dựng ở Cà Mau để bà con miền Nam, đặc biệt bà con Đồng bằng sông Cửu Long biết được dáng vẻ Cột cờ Hà Nội. Công trình mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền dân tộc. Chúng tôi có riêng một Tổ công tác quản lý Cột cờ Hà Nội, gồm 4 cán bộ, chiến sĩ hàng ngày có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tuần tra, canh gác khu vực này. Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ đặc biệt là bảo đảm lá cờ Tổ quốc rộng 54m2, biểu tượng của khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em luôn nguyên vẹn, tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội".

Từ Thủ đô thân yêu, có biết bao cán bộ chiến sĩ đến những vùng đất xa xôi, hiểm trở để làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc, mang theo ý thức trách nhiệm cao cả là giữ từng mảnh đất mà ông cha để lại.

Gia đình thiếu tá Nguyễn Xuân Trọng ở Ứng Hòa, Hà Nội. Năm 2011, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh lên biên giới Hà Giang công tác, đến nay đã được 13 năm. Mỗi khi gặp các đoàn khách từ Hà Nội lên thăm biên giới, anh vô cùng xúc động, trò chuyện rất lâu, anh thấy tình cảm của những người con Hà Nội luôn tin tưởng và hướng về đồng bào nơi biên giới. "Là người con của quê hương Ứng Hòa, Hà Nội, tôi tự hào về  những gì Hà Nội hôm nay đạt được. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là công cuộc phát triển của Thủ đô góp phần cho đất nước giàu mạnh hơn. Tôi mong muốn sự phát triển của Hà Nội 70 năm qua sẽ tiếp tục vững bước hơn nữa, để giành những thành tựu to lớn…"- Thiếu tá Nguyễn Xuân Trọng xúc động bày tỏ.

Dịp này, nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam về các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, hình dung ra cảnh người dân náo nức giữa không khí của tiết thu tháng Mười, thiếu tá Nguyễn Xuân Trọng, cũng như rất nhiều CBCS người con của Hà Nội đang công tác trên mọi nẻo đường biên giới của đất nước, lại bồi hồi nhớ về Hà Nội, nhớ về mảnh đất đã sinh ra mình. Nỗi nhớ xen lẫn niềm tự hào, để nhắc nhở bản thân luôn cố gắng hơn nữa, để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. 

Thu Hòa

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC