Từ năm 2009, ông Đinh Văn Bới người Bahnar ở làng Đăk Kjông, xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã dốc toàn bộ vốn để trồng 4ha keo. Ông còn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang trồng 5 ha bạch đàn. Sau nhiều năm chăm sóc, ông đã thu hoạch diện tích keo và bán được 85 triệu đồng/ha. Ông Đinh Văn Bới cho biết, việc trồng rừng đã giúp gia đình có của ăn của để.
“Trồng rừng thì nhàn và thu nhập cao hơn. Trồng bắp không năng suất bằng cây keo, mà keo dù lâu năm nhưng chỉ cần thu hoạch một lần là ổn. Kỹ thuật cũng bình thường, chủ yếu mua giống, mua thuốc chống mối, phát cỏ mỗi năm hai lần.” - Ông Bới cho biết.
Ông Phùng Văn Minh dân tộc Mường ở thôn 2, xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cũng đã vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Bước ngoặt đến vào năm 2010, khi ông tham gia một dự án trồng rừng được nhà nước hỗ trợ giống keo miễn phí. Với 3 ha keo đầu tiên cho thu hoạch năm 2016, gia đình trả hết nợ và có vốn tái đầu tư.
Ông Phùng Văn Minh phấn khởi nói: “Trồng rừng không bao giờ mất mùa. Mấy năm nay, thu nhập từ rừng vừa cao vừa nhàn. Người ta bán theo hecta còn mình thì bán tại nhà máy. Bán đi thì mua được ô tô để chở hàng từ rừng về nhà máy. Ngày trước trồng cây ngắn ngày thì chỉ đủ ăn, vay ngân hàng liên tục. Nhưng từ khi trồng rừng, cuộc sống đã khá hơn nhiều.”
Từ năm 2021 đến 2023, huyện Kbang đã trồng gần 3.200ha rừng. Riêng xã Lơ Ku có hơn 700ha rừng, trong đó một nửa đang vào giai đoạn thu hoạch. Ông Trần Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện Kbang, cho biết địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ người dân vay vốn mua giống cây và chăm sóc rừng. Người dân cũng được khuyến khích trồng xen các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu, khoai để tăng thêm thu nhập. Việc trồng rừng không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn giúp người dân tận dụng đất đồi, đất dốc, chống sạt lở và nâng cao thu nhập, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Xuân Nam cho biết: “Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kbang tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng. Bà con được hướng dẫn quy trình từ khâu đào hố đến phát dọn thực bì và chăm sóc cây trong từng giai đoạn”.
Gia Lai hiện có hơn 723.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 152.470ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%. Ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai – cho biết, thực hiện Nghị quyết 06- NQ/TU năm 2017 của Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển lâm nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, đến nay tỉnh đã trồng được hơn 16.721 ha rừng.
“Chúng tôi xác định nguồn lực xã hội hóa là yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu của nghị quyết. Chúng tôi huy động sức dân, tận dụng lao động và đất đai tại chỗ, chuyển đổi từ nông nghiệp sang lâm nghiệp bền vững để tăng thu nhập cho người dân. Các cơ quan chuyên môn được giao chỉ tiêu cụ thể nhằm phát triển kinh tế rừng và đạt hiệu quả cao”- Ông Nguyễn Văn Hoan nói.
Nhờ định hướng đúng đắn và chính sách phù hợp đối với việc phát triển rừng, người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã và đang gắn bó với rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giúp cuộc sống ngày càng ổn định, khấm khá hơn./.
Viết bình luận