Người thầy “đặc biệt” nơi rẻo cao Pa Vệ Sủ
Thứ hai, 12:21, 18/11/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4 - Ở nơi rẻo cao biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, câu chuyện về thầy giáo mầm non Đao Văn Nguyên bám trường, bám bản Xà Phìn là một minh chứng sống động cho sự tâm huyết, cống hiến và tình yêu thương giành cho học trò vùng khó. Không chỉ là người truyền thụ kiến thức, thầy Nguyên còn là cầu nối văn hóa đến với học sinh và bà con La Hủ - một dân tộc thiểu số ít người đặc biệt khó khăn, sinh sống trên những đỉnh núi cheo leo trên miền biên viễn Tây Bắc.

"Thầy Nguyên dạy rất là tốt, nhiệt tình vì học sinh, bà con chúng tôi rất cảm ơn thầy."

"Chúng tôi ngày nào cũng đưa các con đi học và thấy thầy Nguyên rất là nhiệt tình. Thầy như là người cha thứ hai của các con vậy."

Nói tiếng phổ thông còn chưa rõ, nhưng qua sự tận tâm của thầy giáo dạy dỗ con mình, người dân La Hủ ở bản Xà Phìn, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu luôn biết ơn thầy giáo Đao Văn Nguyên. Là một trong số ít thầy giáo dạy ở bậc học mầm non tại huyện biên giới Mường Tè, thầy Nguyên có hoàn cảnh đặc biệt, vợ mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ. Nhưng, trong hơn 10 năm qua, thầy Nguyên đã luôn có mặt các điểm bản xa.

Vừa khéo léo, dịu dàng như một người mẹ; vừa mạnh mẽ, nghiêm khắc như một người cha, thầy Nguyên luôn ân cần, chu đáo, hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các bé mầm non. Từ lau mặt, rửa chân tay, đến dạy các em hát, cho ăn, đến dỗ các em ngủ… việc gì thầy Nguyên cũng tỉ mỉ.

Lớp thầy Nguyên phụ trách là lớp ghép, có 7 cháu học sinh mầm non từ 2 – 5 tuổi. Một lớp học đặc biệt tại bản Xà Phìn, xã Pa Vệ Sủ, với 100% học sinh là đồng bào La Hủ. Nhờ sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình của thầy mà đầu năm học này, những em nhỏ 2 tuổi lần đầu tiên đến lớp, đến trường, chỉ mất thời gian ngắn đã quen với thầy, với bạn. Các em được ăn ngủ điều độ, đúng giờ và quý thầy, mến bạn, không còn khóc đòi về nhà và đến nay tỷ lệ chuyên cần của lớp luôn đạt 100%.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Mường Tè, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non, thầy Nguyên đã tình nguyện trở về quê hương để giảng dạy. Nói về cơ duyên đến với nghề, thầy Nguyên chia sẻ, phần vì mến trẻ, phần vì cơ hội nghề nghiệp và khi đã chọn rồi thì yêu nghề lúc nào không hay.

"Tôi đã đi học rất nhiều trường, nhưng vì yêu trẻ nên tôi tiếp tục đăng ký vào ngành học sư phạm Mầm non để sau này ra trường về công hiến cho quê mình, để đem cái chữ đến cho các cháu" - Thầy Nguyên nói.

Bản Xà Phìn, xã Pa Vệ Sủ có 42 hộ dân, hơn 150 nhân khẩu đồng bào La Hủ và là bản đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu, với trên 98% là hộ nghèo và cận nghèo. Từ trước tới nay bà con La Hủ ở Xà Phìn vẫn quen với nếp sống tự cung tự cấp, ít tiếp xúc với bên ngoài, ít quan tâm đến việc học tập của con em mình.

Tranh thủ các buổi tối ở lại tại trường, thầy Nguyên dành phần lớn thời gian đến từng nhà học trò thăm hỏi, động viên và nhắc nhở phụ huynh ngày hôm sau cho con em đến lớp. Vất vả là vậy, nhưng không phải lúc nào việc vận động cũng thuận lơi, bởi có gia đình bận đi nương, đi rừng và mang cả con theo. 

"Vận động học sinh đến lớp nhiều lúc gặp khó khăn. Chúng tôi cũng bất đồng về ngôn ngữ với bà con dân bản. Bà con thì đi nương, đi rẫy tối mới về, có nhà 2 – 3 ngày mới về nên tôi với trưởng bản thường phải tranh thủ tối tìm đến từng nhà để vận động để phụ huynh nhớ cho các cháu đi học" - Thầy Nguyên chia sẻ.

Hơn 10 năm công tác cũng là bằng ấy thời gian thầy Nguyên xung phong vào những điểm trường lẻ. Với thầy, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui, niềm vinh dự của thầy giáo vùng cao.

Theo thầy Nguyên, để mang được con chữ lên với các bản làng vùng khó, việc đầu tiên là phải học biết tiếng đồng bào và thực hiện “3 cùng” với nhân dân, bởi chỉ khi dân hiểu, dân tin, mới cho con em mình đến lớp.

"Ngoài giờ lên lớp tôi thường xuyên xuống nhà dân để giao tiếp với dân bản, vận động dân bản làm ăn phát triển kinh tế, vận động phụ huynh đưa các cháu ra lớp học. Vì vậy bà con trong bản đều quý mến và coi tôi như con của dân bản" - Thầy Nguyên nói.

Vợ mất đã 6 năm nay, thầy Nguyên gồng gánh nuôi 3 con thơ và cha mẹ già thường xuyên đau yếu. Có thời điểm tưởng chừng  những khó khăn ấy khiến thầy phải bỏ nghề, nhưng với sự động viên của đồng nghiệp, gia đình, thầy Nguyên đã quyết định gắn bó với nghề, với những đứa trẻ vùng cao.

Cứ sáng sớm ngày thứ 2 hàng tuần, khi con gà rừng chưa gáy, thầy Nguyên đã vượt núi lên điểm trường cách nhà khoảng 60km. Đường đi với những con dốc thẳng đứng và càng khó đi hơn khi mùa mưa dọc tuyến đường lên trường là những viên đá hộc lớm chởm, trơn trượt, với đầy khó khăn và gian nan. 

Nói về thầy giáo Đao Văn Nguyên, Trưởng bản Xà Phìn Lý Mé Cà chia sẻ: "Bản Xà Phìn là bản đặc biệt khó khăn của xã Pa Vệ Sủ. Thế nhưng ngày mưa cũng như ngày nắng, thầy giáo lúc nào cũng đúng giờ đến lớp dạy dỗ cho học sinh. Bà con bản Xà Phìn rất cảm ơn thầy."

Nói để dân làm, làm để dân tin, ngoài giờ lên lớp chăm sóc các em nhỏ, những lúc rảnh dỗi thầy nguyên lại tay kìm, tay búa sửa chữa khu vui chơi cho học sinh. Từ điểm trường thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất, nhờ đôi bàn tay khéo léo của thầy mà trên sân trường đã đầy đủ đồ dùng học tập. 

Cô giáo Hoàng Thị Thúy Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Vệ Sủ nói: "Năm học 2024 – 2025 nhà trường muốn chuyển thầy về công tác tại điểm trường gần hơn, nhưng thầy vẫn tình nguyện xin ở lại điểm trường cũ, một phần là do thầy cũng có nhiều tình cảm gắn bó với bà con địa phương. Hai nữa là thầy cũng muốn chia sẻ những khó khăn với các đồng nghiệp nữ, vì đường lên bản Xà Phìn rất là khó khăn, vất vả."

Năm học 2024 – 2025, huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 24 thầy giáo dạy mầm non. Hầu hết các thầy đều xung phong đi các điểm bản xa thay cho các cô giáo. Đi đến đâu, các thầy giáo mầm non đều được bà con tin yêu, quý mến, trân trọng.

Cô giáo Phạm Thị Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nói: "Thầy giáo Đao Văn Nguyên có một hoàn cảnh gia đình rất là khó khăn. Thế nhưng, trong quá trình công tác thầy đã không quản khó khăn vươn lên, với nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm, chủ động xung phong lên các điểm trường khó để công tác. Trong quá trình công tác, thầy luôn quan tâm dạy dỗ các cháu cũng khéo léo không kém gì các cô giáo mầm non."

Hành trình gieo chữ của thầy giáo Đao Văn Nguyên không chỉ là sự hy sinh thầm lặng mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu nghề và lòng kiên trì. Dù gian khó, thầy giáo mầm non này vẫn bám lớp, bám bản, dìu dắt con em là đồng bào La Hủ bước những bước đầu tiên vào thế giới tri thức, nâng cao dân trí ở vùng cao Tây Bắc còn nhiều khó khăn này./.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC