Những người góp phần tạo nên mùa xuân ở làng Chăm
Thứ tư, 00:00, 18/01/2017

(VOV) - Những ngày này, mọi nẻo đường ngõ xóm ở các làng Chăm Bình Thuận đông vui, nhộn nhịp. Để có được sức sống mới ở các làng Chăm, phải kể đến sự chung tay góp sức của giới chức sắc tôn giáo Chăm.

 

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Lâm Giang, thôn có đông đồng bào Chăm ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, được trang trí những bóng đèn chớp nhiều màu sắc, nhấp nháy theo những điệu nhạc vui.

 

Bên bàn trà ấm cúng, ông Imum Sơn (Thông Sơn) đang rất vui:Tết năm nay thấy vui hơn. Được Nhà nước đầu tư làm sân bóng, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều thứ khác nữa. Nhà nước quan tâm như thế rồi, chúng tôi cũng phải biết giữ gìn, làm cho nó tốt hơn”.

 

Ông Imum Xe (Long Văn Xe ), nói thêm, trước đây vào những ngày lễ tết, thanh niên trong làng thường hay uống bia rượu, rồi say xỉn, đánh lộn đánh lạo, làm mất an ninh xóm làng; rồi chạy xe lạng lách, tống ba thồ bốn, mà không có cái mũ bảo hiểm trên đầu. Có lúc xe đâm thẳng vào hàng rào rồi cả người lẫn xe ngã lăn ra đường.

 

“Từ khi xã Hàm Trí được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2014, vấn đề này được chúng tôi kiên quyết làm. Nhờ đó mà đến nay, an ninh trật tự xóm làng được giữ vững” - Imum Xe cho biết.

 

Imum Xe nói rằng tuy không phải là Tết cổ truyền của người Chăm, nhưng mỗi độ Tết đến, bà con Chăm nơi đây đều mua sắm để đón Tết, điều mà trước kia hầu như không có ở đây.

 

Xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình là xã thuần Chăm đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2017. Anh Kadhar Cảnh, một chức sắc tôn giáo Chăm Bà-la-môn còn trẻ, cho biết, để đường làng ngõ xóm thông thoáng sạch đẹp như thế này, ngoài hệ thống chính trị ở địa phương thì Ban phong tục thôn cũng phải tham gia.

 

Anh Kadhar Cảnh ví dụ như chỉ có 3 cái chuồng bò ở sau làng mà làm ảnh hưởng đến tiến độ làm đường. Các anh phải lên xuống 5-6 lần vận động, phân tích phải trái, bà con mới chịu di dời. Chưa kể tới việc vận động bà con đóng góp tiền của cho các phong trào. “Khi cái bụng nó ưng rồi thì bà con hợp tác thôi” – anh nói.

 

Sư cả Thường Xuân Hữu, ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, cho biết, Phú Lạc là xã có đông đồng bào Chăm. Đến cuối năm 2016, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong năm này, Ban phong tục sẽ tiếp tục cùng với hệ thống chính trị địa phương hoàn thành các tiêu chí đã đề ra. Nhất là việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, vận động người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn trong thanh niên.

 

Bình Thuận có hơn 8.300 hộ người Chăm, chiếm 3,26% dân số toàn tỉnh; sống xen ghép ở 9 thôn và tập trung ở 4 xã. Người Chăm nơi đây chủ yếu theo đạo Bà-la-môn và đạo Bà-ni. Toàn tỉnh có hơn 400 vị chức sắc tôn giáo. Tiếng nói của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng. Họ là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống.

 

Bà Thanh Thị Minh Hiền, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Vai trò chức sắc Chăm rất quan trọng, và họ rất tích cực tuyên truyền, vận động bà con Chăm chung tay xây dựng nông thôn mới. Trước đây bà con hay nuôi gia súc thả rông, xả nước thải sinh hoạt ra ngoài đường. Các vị đã tích cực vận động. Nhờ đó mà bà con đã xây chuồng trại để nhốt gia súc và kiên cố hóa nhà vệ sinh”.

 

Với sự tham gia tích cực của giới chức sắc tôn giáo, việc xây dựng nông thôn mới ở vùng Chăm tỉnh Bình Thuận đang dần đến đích. 

 

Kadhar Cảnh lúc vận động bà con

Chức sắc, già làng ở thôn Bình Mĩ, xã Phan Thanh

Chức sắc và cán bộ thôn Lâm Giang đang nhóm họp

Niềm vui của chức sắc Chăm làng Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc, trong vụ mùa mới

Một góc làng Chăm Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong

 

 

 

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC