Cánh đồng Đất Đỏ ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn rộng hơn 250 ha, cách các khu dân cư tới hơn 8 km. Đây là khu vực canh tác cà phê, hồ tiêu, lúa nước của hơn 40 hộ dân trong xã. Để vào khu sản xuất, người dân chỉ có hai lựa chọn là vòng qua đường xã Ea Bar hoặc qua cầu suối Nước Trong. Đường vòng qua xã Ea Bar xa gấp đôi, còn qua cầu thì thiếu an toàn. Đây là cây cầu bê tông được người dân tự đóng góp xây dựng từ năm 2005. Bề mặt cầu rộng 2 mét, không có lan can, đã xuất hiện nhiều vết nứt, vỡ; các trụ móng thì sụt lún. Để đi lại tạm thời, người dân dùng cây gỗ lớn dài đỡ bên thành cầu.
Ông Nông Ngọc Quyết, một hộ dân ở thôn Ea Kning xã Ea Bar huyện Buôn Đôn có 1,5 ha đất canh tác tại đây, chia sẻ: “Trong này đất sản xuất là rất nhiều, nhưng đường đi lại rất khó khăn, nhất là đi qua cầu. Cầu này tải trọng hiện không đảm bảo"
Buôn Đôn là một trong hai huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Nhiều khu vực sản xuất đường sá đi lại khó khăn. Theo ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Buôn Đôn, qua rà soát toàn huyện có 12 cầu dân sinh cần được xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. 4 năm trước, từ nguồn hỗ trợ của Cục đường bộ Việt Nam, huyện đã xây dựng được 2 cầu treo kiên cố tại các xã Ea Huar và Ea Wer, tổng kinh phí 24 tỷ đồng. 10 cầu còn lại cần khoảng 35 tỷ đồng xây dựng thì chưa bố trí được vốn.
“Huyện đã kiến nghị trung ương, tỉnh hỗ trợ mỗi cây cầu khoảng 300 đến 400 triệu đồng để xây dựng kiên cố, phục vụ bà con đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản thuận lợi, học sinh đi học an toàn trong mùa mưa lũ", ông Bùi Văn Vinh nói.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, đất đai rộng lớn và nhiều sông suối, tỉnh Đắk Lắk rất cần xây dựng thêm nhiều cầu dân sinh. Trong giai đoạn 2016 – 2022, từ nguồn hỗ trợ của Cục đường bộ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc, tỉnh đã xây dựng được 97 cầu dân sinh, trị giá 200 tỷ đồng, tại các xã khu vực I, II và III thuộc các huyện vùng sâu vùng xa.
Ông Lê Công Du – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Tỉnh hiện còn 210 cầu dân sinh đã xuống cấp, cần xây mới thay thế, tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Nhu cầu chi phí xây dựng lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh hạn chế, chúng tôi đã đề xuất xin kinh phi hỗ trợ từ Trung ương đầu tư cho tỉnh Đắk Lắk sớm đầu từ xây dựng những cây cầu xuống cấp còn lại. Qua đó hỗ trợ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá cho bà con"
Qua lại trên những cây cầu cũ xuống cấp, cầu tạm tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn, nhưng vì mưu sinh bà con ở vùng sâu Đắk Lắk vẫn phải đi hàng ngày./.
Viết bình luận