Tái sinh rác thải nhựa-Tái tạo môi trường xanh của sinh viên vùng cao Tây Bắc
Thứ hai, 07:08, 09/09/2024 Nguyễn Thị Bích Thủy/VOV Tây Bắc Nguyễn Thị Bích Thủy/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Hưởng ứng phong trào chung tay phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa của địa phương, nhiều sinh viên của trường Đại học Tây Bắc đã mày mò ý tưởng, triển khai các tiểu dự án tái sinh, tái chế rác thải nhựa thành các vật liệu thân thiện với môi trường. Hành động nhỏ-ý nghĩa lớn, mỗi sinh viên ở đây đều mong muốn việc làm của mình sẽ góp phần thúc đẩy việc tái sử dụng, thu gom rác thải nhựa trong cộng đồng.

Khảo sát ở địa phương, thấy nhiều cửa hàng thời trang, bách hoá gia dụng có nhiều banner nhựa quảng cáo bị bỏ đi vừa lãng phí, vừa gây hại cho môi trường, một nhóm sinh viên của trường Đại học học Tây Bắc đã lên ý tưởng thu gom và tái chế chúng thành những sản phẩm mới. Sau khi họp bàn, các em  phân công nhau đến các cửa hàng xin lại các banner nhựa không còn dùng, phân loại và làm sạch, thiết kế mẫu mã, rồi cắt, may thành các sản phẩm túi thay thế túi đựng tại các cửa hàng, túi đựng bút, túi bạt để học sinh đựng đồ dùng. Các sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, độ bền cao, chống thấm nước,  giá thành rẻ, lại được in ấn logo trông khá đẹp mắt, được nhiều bạn trẻ yêu thích. 

Lù Thị Thảo, SV K62, khoa Tài chính-Ngân hàng, đại diện nhóm chia sẻ: “Nhóm chúng em muốn tiếp tục triển khai dự án này và phân phối sản phẩm ra thị trường. Tạo động lực cho các sinh viên và mọi người xung quanh về việc tái chế lượng rác thải không phân huỷ và bảo vệ môi trường”.

Tương tự, sản phẩm “Máy làm mát không khí không dùng điện được làm bằng chai nhựa tái chế” đã được nhóm sinh viên K64, khoa tiểu học mầm non triển khai thành công. Sản phẩm được làm hoàn toàn bằng chai nhựa kết hợp tấm trần nhựa thả, bìa cát tông đã qua sử dụng. Nhóm đã nghiên cứu kỹ nguyên lý làm mát từ chai nhựa, vật liệu dễ kiếm. Theo đó, chai nhựa, tấm trần nhựa thả, bìa cát tông đã qua sử dụng được nhóm thu gom lại, làm sạch. Sau đó, chai nhựa mang cắt phần đuôi, rồi lắp vào trần nhựa thả, bìa cát tông đã được dùi lỗ.  Khi không khí nóng tràn vào đuôi chai, khí co lại, khi đến gần mép đầu chai làm giảm áp suất, tăng vận tốc, mang lại tác dụng làm mát cho không khí. Bình quân một tấm nhựa có diện tích 60 x 60 cm thì cần khoảng 40 chai nhựa. Sản phẩm không chỉ dễ dàng lắp đặt, sử dụng mà còn không tốn kém, thậm chí là không đồng, đem lại hiệu quả làm mát đáng kể, có thể áp dụng cho các hộ gia đình, chuồng trại chăn nuôi ở những vùng điều kiện còn khó khăn.

Tòng Thị Bích Ngọc, trưởng nhóm cho biết: “Chúng em đã làm việc với một số cộng đồng người dân ở địa phương để đảm bảo rằng sản phẩm sẽ phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người dân. Hướng tới những buổi tuyên truyền tại các lớp học, bản làng. Sự hợp tác này đã giúp chúng em truyền tải những thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường một cách rộng rãi hơn”.

Với tính khả thi, hai dự án trên đã được trao giải nhất, nhì tại vòng chung kết cuộc thi đổi mới sáng tạo về chấm dứt ô nhiễm nhựa tại tỉnh Sơn La do Trung tâm thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số thuộc Trường đại học Tây Bắc tổ chức vừa qua. Bà Trương Thị Luân, giám đốc Trung tâm cho biết: Các em sinh viên của nhà trường rất quan tâm, tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện, đề xuất ý tưởng phòng chống rác thải nhựa. Chỉ riêng cuộc thi này đã có 34 dự án đăng ký tham gia từ vòng sơ loại của các sinh viên nhà trường. Một số dự án cũng được đánh giá cao như: “Tái chế rác thải thành viên gạch – giải pháp xanh cho tương lai”, “Mái nhà chống nóng – giải pháp bền vững từ nhựa tái chế và rơm”,  “Thay thế và sản xuất bầu ươm polymer thân thiện với môi trường”:

Bà Trương Thị Luân đánh giá: “Đều là những dự án có tính khả thi cao, rất dễ làm và dễ chuyển hoá những rác thải nhựa sẵn có ngoài môi trường rất nhiều trở thành những sản phẩm có giá trị, giúp cho các bạn sinh viên có những mô hình khởi nghiệp tốt.  Với những dự án chúng tôi đánh giá có tính khả thi và có thể nhân rộng, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức, các quỹ để giúp các em có một phần vốn mồi để triển khai dự án”.

Theo tiến sỹ Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Tây Bắc: Số lượng nhiệm vụ KH&CN của nhà trường tăng từ 2-5% mỗi năm. Theo đó, tỷ lệ giảng viên, cán bộ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng ngày một tăng. Chỉ tính riêng Khoa Nông-Lâm hằng năm đã có từ 10 - 15 đề tài cấp cơ sở của sinh viên thực hiện, trong đó có các đề tài về phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa. Các đề tài, sản phẩm khoa học của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đều hướng tới mục tiêu gắn với thực tiễn, ứng dụng cao trong thực tiễn.

“Nhà trường xác định căn cứ nguồn lực, thực tiễn của nhà trường để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên, sinh viên. Gắn công tác nghiên cứu khoa học với thực tiễn ở địa phương. Đảm bảo các sản phẩm khoa học là sản phẩm có tính ứng dụng cao và có giá trị thiết thực trong việc nâng cao đời sống kinh tế văn hoá xã hội của khu vực” - Tiến sỹ Đỗ Hồng Đức cho biết.

Chất thải nhựa không thu gom, xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Cùng với thầy trò trường Đại học Tây Bắc, mỗi người dân chỉ cần góp một hành động nhỏ trong phòng chống rác thải nhựa sẽ góp phần gìn giữ môi trường xanh cho cuộc sống./. 

Nguyễn Thị Bích Thủy/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC